"Ăn chay trường"
Sau lượt trận thứ 4 V-League 2022 (và là thứ 3 của giải hạng Nhất quốc gia), hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ "tạm nghỉ" khoảng 4 tháng, để nhường sàn diễn cho các ĐTQG. Hơn 700 cầu thủ cùng hàng trăm người trong Ban huấn luyện sẽ làm gì trong khoảng thời gian này?
Ở tuổi 22, V-League vẫn còn nhiều bất cập. |
Từ tháng 3 đến tháng 7/2022, các ĐTQG mà cụ thể là đội tuyển Việt Nam, đội tuyển U22 Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam sẽ tập trung, chuẩn bị cho các trận đấu thuộc Vòng loại FIFA World Cup 2022, SEA Games 31 trên sân nhà và VCK U23 châu Á 2022. Tổng số cầu thủ thuộc 3 đội bóng này sẽ rơi vào tầm 100 người.
100 người này chính là đầu ra, là đỉnh cao của nền bóng đá. Họ là bộ mặt và thậm chí quyết định thành bại của những... chiếc ghế Liên đoàn. Bóng đá đơn thuần là thành tích, mà bóng đá Việt Nam, há chẳng vị thành tích từ trong quá khứ đó sao!
Chừng 100 người ấy cũng sẽ quyết định thành bại của nền bóng đá cả ngàn người, chưa tính hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá phong trào và hàng vạn người khác. Song, câu hỏi đặt ra là, liệu cả ngàn tỷ đồng bỏ ra mỗi mùa giải của mấy chục CLB chuyên nghiệp, có cần phải ngưng trệ đến 4 tháng, để hy sinh cho đầu ra là các đội tuyển trẻ quốc gia không?
Với 13 đội bóng ở V-League, mỗi năm trung bình ngốn hết 70 tỷ đồng/đội, hạng Nhất quốc gia thấp hơn chừng một nửa, thì cũng là quá 1.000 tỷ đồng rồi, đấy là chưa tính hệ thống đào tạo trẻ, phong trào...
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết, rằng các cầu thủ sẽ làm gì trong khoảng thời gian 4 tháng tới, khi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tạm ngưng? Tập chay và đá phủi. Họ cần games để thử lửa.
Thực ra, phần lớn các CLB đã chuẩn bị riêng cho mình các kế hoạch đá giải tập huấn, theo cụm, hoặc tự "cáp kèo" với nhau. Giải đấu ở Cần Thơ, với HAGL, T.Bình Định, Sài Gòn và chủ nhà Cần Thơ, là một trong số đó. Ngoài ra, hạng Nhất QG với Phù Đổng, Phú Thọ, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu dự là cũng tổ chức ở Bến Tre... Song, các giải đấu này, cũng chỉ nhằm mục đích duy trì phong độ, quảng bá thương hiệu chút đỉnh, chứ không phải thử quân hay thử lửa.
Tóm lại, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, với ngay cả nghỉ giữa giai đoạn, cũng không thể ngắt quãng quá lâu như vậy. Vì lý do gì thì đó cũng là bất hợp lý, thiếu tính chuyên nghiệp.
Nhưng, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, vắt qua 22 tuổi đời, nó phải là như thế! Và, suy cho cùng, sự ra đời của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, nơi tổ chức các giải chuyên nghiệp, thực ra cũng chỉ là bình phong, là cánh tay nối dài của VFF thôi sao!
Hỏi mà như đã trả lời.
THƯ KỲ