Mỗi khi nhắc đến Manchester United (M.U), chắc hẳn trong tâm trí nhiều fan hâm mộ sẽ hiện ra một vài cái tên mang tính biểu tượng cho CLB và người ấy là King Eric - người đã gầy dựng nên linh hồn và văn hóa của Quỷ đỏ. Ông từng nói: “Tôi chỉ ăn mừng khi ghi bàn vào lưới đội bóng mạnh hơn, nhưng ở Premier League, không có đối thủ như thế!”.
Eric Cantona trong màu áo Manchester United. |
MỘT CON NGƯỜI BẤT KHAM VỚI TÍNH KHÍ NGANG TÀNG
Eric Daniel Pierre Cantona sinh ngày 24/5/1966 tại thành phố cảng Marseille miền Nam nước Pháp, là con trai của ông Albert Cantona - một y tá kiêm họa sĩ và bà Eleonore Raurich - thợ may nữ phục. Gia đình của Cantona là những người nhập cư với thành phần bên nội đến từ vùng Sardinia còn bên ngoại có gốc ở Catalunya. Không rõ có phải do tính di truyền hay không nhưng từ khi mới bắt đầu sự nghiệp cầu thủ, Cantona đã tỏ ra mình là một con người bất kham với tính khí ngang tàng không ai bì kịp.
Thuở đầu đến với bóng đá, Cantona chơi ở vị trí thủ môn nhưng nhờ vào tư chất và kỹ thuật cơ bản tốt nên ông đã được đôn lên hàng tấn công. Tại SO Callolais, Cantona đã thi đấu hơn 200 trận bên cạnh những tài năng như: Roger Jouve, Christophe Galtier hay Jean Tigana. Ngày 5/11/1983, Cantona có trận ra mắt cho CLB chuyên nghiệp Auxerre, nơi đồng đội của ông đã đánh bại Nancy với tỉ số 4-0. Thế nhưng, lắm tài thì nhiều tật, Cantona bắt đầu hành trình gây rối của mình và khiến những nơi ông đặt chân đến trở thành một võ đài.
Ở tuổi cái tuổi đôi mươi, Cantona chưa hề biết ngán đối tượng nào và ông gây “phốt” không chỉ với đối thủ mà còn với đồng đội của mình. Năm 1987, Cantona bị Liên đoàn Bóng đá Pháp phạt vì đấm vào mặt Bruno Martini; 1 năm sau, Cantona tiếp tục “gây tiếng vang” khi thực hiện cú kung-fu cản phá Michel Der Zakarian và bị cấm thi đấu 3 tháng. Cập bến Marseille năm 1988, King Eric tiếp tục là chủ đề bàn tán về đạo đức khi ông đá trái bóng vào đám đông cổ động viên trận giao hữu với Torpedo Moscow, sau đó cởi áo và vứt ngay trên đường pitch. Marseille cảm thấy khó có thể thuần phục “con ngựa chứng” Cantona nên đã để Bordeux mượn ông với hy vọng sẽ giúp đối tượng cá biệt này tu tâm dưỡng tính.
“49 chưa qua, 53 đã tới”, tại Bordeux, Cantona lao vào cuộc ẩu đả với Lemoult, khiến ông bị đình chỉ thi đấu và chờ quyết sa thải, nhưng dưới sự trợ giúp của Laurent Blanc và Carlos Valderrama, ông đã được giữ lại. Sau 6 tháng tại Bordeux, Eric Cantona quay trở về Marseille, giành cúp vô địch giải Hạng nhất Pháp trước khi bị chủ tịch Bernard Tapie “tổng khứ” sang Nimes.
Tháng 12/1991, trong khi trận đấu đang được tạm dừng, Cantona ném quả bóng thẳng vào người vị trọng tài vì tức giận với quyết định được đưa ra, sau đó Cantona bị Liên đoán Bóng đá Pháp triệu tập đến buổi điều trần và lãnh án phạt cấm thi đấu 1 tháng. Cảm thấy chưa đủ “đô”, Cantona bước đến trước mặt của từng thành viên trong liên đoàn và gọi họ là “đồ ngu”, thế là án phạt trở thành 2 tháng. Sau quyết định đó của Liên đoàn Bóng đá Pháp, Cantona tuyên bố giải nghệ ở tuổi… 25, nhưng Michel Platini đã hết lời thuyết phục ông quay trở lại với bóng đá.
Eric Cantona là một huyền thoại bất tử tại Old Trafford dù ông không có Quả bóng Vàng, không cúp châu Âu, không một trận đấu nào cho Đội tuyển quốc gia Pháp. Ông không có gì ngoài sự thiên tài hiếm có và phong thái đế vương, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để nâng tầm M.U trở thành CLB giàu truyền thống bậc nhất nước Anh chỉ trong 5 mùa bóng. |
HUYỀN THOẠI BẤT TỬ TẠI OLD TRAFFORD
Với sự giúp đỡ to lớn đến từ vị huấn luyện viên trưởng tuyển Pháp và bác sĩ tâm lý Gerard Houllier, Cantona quyết định tiếp tục sự nghiệp quần đùi áo số bằng cách đến Anh thi đấu. Từ chối lời đề nghị cập bến Liverpool, Cantona chọn Leeds là điểm đến tiếp theo và Nimes nhận 900.000 bảng Anh từ thương vụ này. Leeds United với sự góp mặt của Cantona đã xuất sắc vô địch Giải Hạng nhất Anh lần cuối cùng trước khi giải đấu được đổi tên thành Premier League. Trong trận gặp Liverpool tại Wembley, Cantona đã ghi hat-trick vào đội bóng thành phố cảng và tự biến mình thành viên kim cương trong mắt của Sir Alex.
Sir Alex Ferguson với sự nghiệp non trẻ tại Old Trafford vẫn đang gặp hạn với cơn khát danh hiệu mà 26 năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của các đời huấn luyện viên. Khi chứng kiến màn trình diễn của “gã du côn” đến từ bên kia của eo biển Manche, Ferguson đã thuyết phục ban lãnh đạo Quỷ đỏ phải đem bằng được Cantona về Old Trafford. Ngày 26/12/1992, M.U chính thức có được chữ ký của tiền đạo người Pháp với mức phí chuyển nhượng 1,2 triệu bảng Anh và đây là một trong những bản hợp đồng thành công nhất giúp làm nên tên tuổi của Ferguson.
Mùa giải 1992/93, Premier League vẫn còn là kỷ nguyên của những đội bóng hạng trung và Blackburn Rovers hay Aston Villa là một trong số đó. Cantona đã im hơi lặng tiếng suốt giai đoạn lượt đi, khiến cho Sir Alex lo sốt vó đến nỗi ông phải bắt liên lạc với Southampton để đàm phán thương vụ Alan Shearer nhưng thất bại. Ferguson đành phải chi 1 triệu bảng cho Dion Dublin với cái chân bị gãy sau đó ít lâu và tin xấu từ Sheffield Wednesday đã thẳng thừng từ chối cái giá 3 triệu bảng cho David Hirst. Tháng 11/1992, M.U đang ngụp lặn ở vị trí thứ 8.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, Cantona trở lại vào đúng giai đoạn lượt về, song ông vẫn không để khả năng tạo “phốt” bị thui chột. Ít tuần sau Boxing Day, Cantona cùng Quỷ đỏ đến Elland Road để gặp Leeds và tại đây Cantona đã nhổ nước bọt vào 1 cổ động viên, dẫn đến án phạt 1.000 bảng Anh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Eric Cantona cùng Mark Hughes tạo thành cặp bài trùng, hủy diệt phần còn lại của giải đấu, nơi mà M.U chỉ thua đúng 2 trận. Kết thúc mùa giải đầu tiên của Premier League, M.U lên ngôi vương trước sự ngỡ ngàng của phần còn lại.
Mùa giải 1993/94 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của Cantona và 2 quả penalty của ông trận gặp Chelsea tại chung kết FA Cup đã giúp CLB giành cú đúp quốc nội. Cũng trong mùa giải này, Cantona đổi số áo từ 12 sang 7, biến con số này trở thành biểu tượng tại Old Trafford khiến bất cứ những ai mặc nó sau này cũng cảm nhận được một áp lực vô hình khủng khiếp. Kết thúc mùa 1993/94, KingEric là vua phá lưới giải đấu với 26 bàn thắng, còn M.U vô địch với khoảng cách hơn 8 điểm so với đội về nhì Blackburn Rovers.
Mùa giải 1994/95 là mùa giải “dưa bở” của M.U khi họ gần như đã chạm tay vào danh hiệu vô địch lần thứ 3 liên tiếp thì Cantona dính vào vụ scandal lịch sử bóng đá. Ngày 25/1/1995, trong trận gặp Crystal Palace, Cantona đã có hành vi đạp vào bụng hậu vệ Richard Shaw và bị trọng tài truất quyền thi đấu. Đang trong cơn giận dữ, Cantona tiến vào đường hầm SVĐ thì bị 1 CĐV buông lời sỉ nhục. Không thể kiềm chế, Cantona đã tung cú kung-fu vào người CĐV này!
Vụ việc chấn động ngày hôm ấy lôi kéo không chỉ báo giới mà còn cả cơ quan luật pháp Anh vào cuộc. Khắp nơi người ta khăng khăng đòi trục xuất Cantona về Pháp và yêu cầu FIFA cấm Cantona thi đấu vĩnh viễn. Ngay sau đó, ông bị giam 2 tuần với tội danh hành hung và bị phạt 120 giờ lao động công ích. Chưa dừng lại ở đó, Cantona bị Hiệp hội Bóng đá Anh phạt 20.000 bảng, cấm thi đấu 8 tháng và yêu cầu tăng thêm 10.000 bảng sau đó. Ở cấp độ FIFA, Cantona bị cấm chuyển nhượng đến tất cả các CLB.
Trở lại sau scandal gây chấn động bóng đá Anh, Cantona tiếp tục thi đấu bùng nổ trong mùa 1995/96 và thay thế đội trưởng Steve Bruce dẫn dắt M.U đánh bại Liverpool trong trận chung kết FA Cup. Quỷ đỏ tiếp tục đào sâu các kỷ lục tại kỷ nguyên mới của Premier League, trở thành CLB đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh giành được cú đúp quốc nội 2 lần. Năm 1997, sau khi Steve Bruce ra đi, Cantona trở thành quỷ đầu đàn tại Old Trafford, mang trên mình trọng trách bảo vệ ngôi vương Premier League.
Mùa giải 1996/97 cũng là chương cuối trong sự nghiệp rực rỡ của Cantona. Trong trận gặp Sunderland tháng 12/1996, từ khoảng cách 20m, Eric Cantona thực hiện cú bấm bóng mang tính biểu tượng, sau đó với gương mặt ngạo nghễ, đưa cao 2 tay lên như một vị vua thực thụ giữa rừng cổ động viên phát cuồng vì khoảnh khắc tuyệt vời đó.
Cuối mùa giải 1996/97, Cantona tuyên bố giải nghệ. Ở tuổi 30, độ tuổi đẹp nhất của một trung phong, Cantona chọn cho mình con đường đi cũng không hề giống với số đông, ông bộc bạch: “Tôi thấy mình không còn khả năng tiến bộ nữa, khi không còn khả năng chơi bóng hay hơn, tôi cũng mất đi đam mê tập luyện và thi đấu. Mà bóng đá không có đam mê thì không có ý nghĩa gì nữa”. Cantona cũng là chủ đề bàn tán về đạo đức suốt một thời gian, ông chỉ ngụ ý rằng, mỗi người có một cuộc đời và hãy sống thật tốt cuộc đời của chính mình.
Sự nghiệp của Cantona không hề vẹn toàn và ông cũng không bao giờ mưu cầu sự hoàn hảo, bởi vì ông tin rằng mưu cầu sự hoàn hảo là điều không tưởng. Trước khi Cantona đến, M.U “đích thị là một đống rác”, ấy vậy mà chỉ trong 5 năm ở Old Trafford, King Eric đã vực dậy một tập thể và nâng tầm cả CLB. Ít có ai như Eric Cantona, người truyền cho CLB phong thái của chính mình và ông đích thực là một verdette của Quỷ đỏ.
Có thể những người vùng Merseyside không ưa King Eric, những đối thủ của M.U cũng không hề thích “tên cao ngạo” này, những “nạn nhân” càng ghét cay đắng Cantona, nhưng có một điều cần phải công nhận rằng, fan Quỷ đỏ không ai không thần tượng King Eric - một tượng đài vĩ đại, lá cờ tiên phong hình thành nên khí chất của một CLB giàu truyền thống bậc nhất lịch sử nước Anh.
CHƯƠNG NGUYỄN