Vì sao cầu thủ PVF đắt giá ở V-League?
Không lâu sau khi công bố hợp đồng “bom tấn” với Lee Nguyễn, CLB TP.Hồ Chí Minh xác nhận hợp đồng tiếp theo của CLB là Trọng Long, tân binh tới từ CLB Phố Hiến tiếp tục khẳng định sức hút của các cầu thủ xuất thân từ Trung tâm đào tạo PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam).
Lê Văn Xuân (45) là một trong những sản phẩm xuất sắc của lò đào tạo PVF. |
Tại V-League 2020, khán giả dễ dàng nhận ra số lượng đông đảo các cầu thủ xuất thân từ PVF, đến mức có thể lập ra riêng 1 đội hình với thủ môn Phan Văn Biểu, hậu vệ Mạc Đức Việt Anh, Đỗ Thanh Thịnh, tiền vệ Trọng Hóa, Tiến Dụng, tiền đạo Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), hậu vệ Tùng Quốc (CLB TP.Hồ Chí Minh), tiền vệ Hồng Sơn (Quảng Nam), hậu vệ Văn Xuân, tiền vệ Xuân Tú, Thái Quý, Minh Dĩ (Hà Nội), tiền đạo Nguyên Hoàng (Sài Gòn FC).
Trong số này, Văn Xuân, Thái Quý (Hà Nội), Hồng Sơn (Quảng Nam) là những trụ cột đã khẳng định được vai trò ở CLB của họ, còn Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) luôn là lựa chọn ưu tiên của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển quốc gia và Nguyên Hoàng (Sài Gòn FC) tuy mới 18 tuổi song đã được HLV Park Hang-seo cho thử sức ở đội tuyển U22 Việt Nam.
Tương tự như thế, tại giải hạng Nhất, các cầu thủ PVF cũng nắm giữ vai trò chủ lực ở CLB Phố Hiến do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt, chẳng hạn như nhà vô địch SEA Games 30 Lê Ngọc Bảo, các cầu thủ Lâm Thuận, Trần Văn Hòa, Nguyễn Thành Lộc, Nguyễn Huỳnh Sang, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Trọng Long, Nguyễn Khắc Khiêm…
Việc Trọng Long được CLB TP.Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng cũng xuất phát từ màn trình diễn của tiền vệ này ở giải hạng Nhất, khiến cho Chủ tịch CLB TP.Hồ Chí Minh là cựu danh thủ Nguyễn Hữu Thắng để ý và đưa Trọng Long về đây để coi như là sự đầu tư cho tương lai.
Những cái tên nói trên đều là sản phẩm được đào tạo trong 3 khóa đầu tiên của PVF và được chuyển giao cho các CLB ở V-League. Không giống như các lò đào tạo truyền thống của bóng đá Việt Nam, PVF không có đội bóng chuyên nghiệp. Theo đúng tiêu chí của PVF là chỉ đào tạo các cầu thủ trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 18, sau đó sẽ chuyển giao cho các đội bóng khác để thi đấu ở các giải đấu cao hơn của bóng đá Việt Nam.
Lợi thế của học viên PVF là được đào tạo tại một Trung tâm bóng đá sở hữu hệ thống cơ sở vật chất vào loại hàng đầu châu lục, dưới sự chỉ đạo của các HLV đẳng cấp và chuyên nghiệp. Nhờ thế, các lứa cầu thủ trẻ của PVF đã “làm mưa làm gió” ở các giải trong nước; trở thành trụ cột ở những đội tuyển trẻ quốc gia và trong tương lai không xa, họ sẽ nhanh chóng hướng đến xác lập được chỗ đứng ở đội tuyển quốc gia.
Với sự thăng tiến như vậy, cộng với phong độ nổi bật của những Văn Xuân (Hà Nội), Hồng Sơn (Quảng Nam) tại V-League 2020, không có gì ngạc nhiên khi thấy ngày càng có nhiều CLB tại V-League dành sự quan tâm nghiêm túc cho các tài năng trẻ tới từ lò đào tạo PVF.
Phát hiện ra một tài năng là việc khó. Đào tạo và rèn rũa tài năng đó để “tỏa sáng” từ cả tài và đức là cả quá trình vô cùng gian lao. PVF đã đặt yêu cầu cao trong suốt hành trình “trồng người” khi đòi hỏi học viên phải “tròn vai”, bên cạnh chuyên môn giỏi, còn là đào tạo về văn hóa, đạo đức, ý thức nghề nghiệp và cả khát khao chiến thắng trên sân cỏ. PVF cũng là một trong những đơn vị đào tạo bóng đá trẻ hiếm hoi yêu cầu học viên vừa phải bảo đảm tốt việc học văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng sống bên cạnh nhiệm vụ chính là tập luyện.
Nếu nhìn nhận từ khía cạnh này thì có thể nhận thấy, PVF thành công bởi hầu hết cầu thủ xuất thân từ lò PVF đều được đảm đảm cả về năng lực chuyên môn cũng như tư cách đạo đức. Với ngần ấy lý do, không khó hiểu khi các cầu thủ tài năng từ PVF luôn trở thành “hàng hiếm” được các CLB chuyên nghiệp tại V-League và hạng Nhất quốc gia để mắt.
ĐỨC TUẤN