Jack Grealish - Dũng sĩ trong hình hài nghệ sĩ
Hiếm ai nghĩ một cầu thủ đang được định giá đến 80 triệu bảng như Jack Grealish từng là một cậu bé mắc vấn đề về tâm lý năm 15 tuổi, bị đá vào chân nhiều hơn bất cứ người nào khác nhưng vẫn đang ở đây và bay bổng trong màu áo đội tuyển Anh.
Grealish (số 11) thực sự thích được khiêu vũ giữa bầy sói. |
Grealish đến từ Birmingham - một thành phố nổi tiếng với trò đấu bò, và dù không còn một con bò thực sự nào nữa kể từ thế kỷ 18, chàng trai này vẫn xứng đáng là vị dũng sĩ cuối cùng của dân địa phương.
“Grealish thật giống một dũng sĩ đấu bò phải không?. Điều duy nhất khiến tôi thỉnh thoảng lo lắng là khi cậu ấy giữ bóng, đối thủ liền bao vây và chấn thương có thể đến bất cứ lúc nào”, HLV Gareth Southgate tự hào nhắc về cậu học trò sau chiến thắng 3-0 trước Xứ Wales.
Thật vậy, ở lần thứ 2 khoác áo “Tam sư”, Grealish đã thi đấu tuyệt hay khi kiến tạo trực tiếp cho Dominic Calvert-Lewin đánh đầu lập công và kiếm về quả đá phạt trực tiếp dẫn đến bàn thứ 2 của Conor Coady. Thứ mà Southate lo lắng lại là... sở thích của Grealish, bị rơi vào thế vây hãm với bốn bề thọ địch. Giống như chiếc tất luôn bị kéo xuống thấp nhất có thể, Grealish luôn khiêu khích đối thủ rồi thoát ra thật tài tình.
“Rất nhiều người từng nói tôi chưa thấy ai bị đá vào chân nhiều như cậu nhưng thú thực là tôi thích điều đó. Bị chơi xấu có nghĩa là tôi đang làm đúng trong phần lớn thời gian. Đúng là tôi bị đá hết lần này đến lần khác nhưng tôi không quan tâm lắm vì biết mình đang giúp đỡ đội bóng.
Tôi đi tất ngắn vì 2 lý do. Thứ nhất, khi tôi 16 tuổi, tôi có một mùa giải đi tất ngắn và khiến cho sự nghiệp cất cánh. Tôi thầm nghĩ mình đã làm tốt và sẽ tiếp tục thực hiện như vậy. Ngoài ra, rất nhiều đôi tất rất chật và bó vào bắp chân, nó khiến tôi chuột rút. Tôi cố gắng kéo tất xuống dưới bắp chân. Thú thực thì tôi cũng không nghĩ nhiều, chỉ là thứ được cả gia đình ủng hộ”, Grealish nhấn mạnh.
Với màn thể hiện xuất sắc trước Xứ Wales, khả năng Grealish được sử dụng ở những trận đấu tiếp theo của đội tuyển Anh là rất cao. Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái như vậy với chàng trai có 2 quốc tịch Anh và Công hòa Ireland.
Từng có chuyện khiến cuộc đời Grealish thay đổi mãi mãi. “Ở lần đầu tiên tập thử cho màu áo tuyển Anh, tôi mới 15 tuổi, một thằng nhóc non nớt phải đối mặt với những cầu thủ hàng đầu cả nước. Một sự khác biệt lớn so với những gì tôi từng biết. Có một đêm, tôi thức dậy giữa đêm và đi vệ sinh. Bạn cùng phòng, Diego Poyet (con trai của cựu danh thủ Gus Poyet), nghe thấy tiếng động lớn và khi tỉnh dậy, tôi vẫn đang ở trong nhà tắm. Tôi đã bất tỉnh một lúc.
Tôi không muốn ra về ngay ngày hôm sau nhưng các HLV bảo rằng tôi đã làm những gì tốt nhất có thể. Kể từ lúc đó, tôi chuyển sang thi đấu cho Cộng hòa Ireland ở những lứa trẻ. Đã có lúc tôi thực sự thích điều đó nhưng khi lớn lên, tôi nhận ra mình là người Anh, gia đình tôi là người Anh và cống hiến cho nước Anh là thứ tôi muốn trong tương lai. Dù là 5-6 năm nữa, tôi vẫn muốn được lên tuyển Anh và có một sự nghiệp lâu dài”.
Việc Grealish bất tỉnh nghiêm trọng hơn một cú ngã. Nhiều bác sĩ cho rằng Grealish gặp vấn đề về thần kinh, nhất là khi trong gia đình từng chứng kiến một thảm kịch. Em trai Keelan của Grealish qua đời ở tháng thứ 9, khi anh mới 4 tuổi, với một căn bệnh dành cho trẻ sơ sinh mà đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải.
Nhưng gạt đi những hạn chế của bản thân sang một bên, gạt cả những hoài nghi về tương lai của mình, Grealish chọn khoác áo đội tuyển Anh ở cấp cao nhất vào năm 2015, dù thừa hiểu, và đúng như thực tế là phải đến 5 năm sau, anh mới được “Tam sư” ghi nhận.
Một chàng trai dũng cảm, can trường hơn vẻ ngoài lãng tử của mình rất nhiều. Grealish vẫn đầy khiếm khuyết nhưng tinh thần của anh khiến Southgate khâm phục. Một võ sĩ đấu bò của thời đại mới biết đâu là mảnh ghép còn thiếu của một “Tam sư” hoàn hảo.
HÀ TRANG