Kỳ 1: Những cái miết môi chết người
Đầu năm 1917, thị trường hàng tiêu dùng ở Mỹ bỗng trở nên sôi động khi Công ty United States Radium Company (USRC) cho ra đời những chiếc đồng hồ với mặt chữ số tự phát sáng. Ngay lập tức, nó tạo thành cơn sốt vì người ta có thể dễ dàng nhìn thấy giờ giấc vào ban đêm mà không cần phải bật đèn như trước.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là những chữ số tự phát sáng được phủ bằng chất phóng xạ Radium. Hậu quả là những năm sau, nhiều công nhân làm việc cho USRC chết vì bệnh ung thư trong sự đau đớn kinh hoàng…
Xương hàm dưới của Mollie Maggia bị phóng xạ Radium tàn phá (hiện trưng bày tại Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ). |
NIỀM VUI PHÁT SÁNG!
Có lẽ trong suốt cuộc sống ngắn ngủi của mình, Mollie Maggia không bao giờ quên được ngày 10-4-1917-ngày cô chính thức trở thành công nhân xưởng sản xuất của Công ty USRC đặt tại thành phố Orange, bang New Jersey, Mỹ. Năm ấy, Maggia mới 18 tuổi và nước Mỹ cũng chỉ vừa tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất được 4 ngày. Công việc của Maggia và của tất cả các công nhân nam nữ khác là “tô sơn phát sáng” lên mặt chữ số đồng hồ dùng cho quân sự lẫn dân sự.
Để tô sơn phát sáng, mỗi công nhân được quản đốc xưởng phát cho một cây cọ, ở đầu có gắn một nhúm lông tơ nhỏ xíu. Và bởi vì chữ số trên mặt đồng hồ rất bé nên trước khi tô, công nhân phải đưa đầu cọ vào miệng, miết cho những sợi tơ chụm lại rồi mới chấm vào lọ đựng sơn. Như vậy, cứ mỗi lần miết đầu cọ, một chút sơn lại đi vào cơ thể họ. Theo lời khẳng định của ban giám đốc nhà máy, loại sơn ấy là chất Radium rất an toàn, không độc hại. Hơn nữa, mức lương do USRC trả cho công nhân cao gấp 3 lần các nhà máy khác nên nó đã xua tan nỗi lo lắng của những ai còn chút nghi ngờ.
Buổi tối sau ngày làm việc đầu tiên, Maggie trở về nhà và khi quây quần bên bàn ăn, mọi người trong gia đình Maggia rất ngạc nhiên vì thấy hai hàm răng cô sáng rực! Thoạt đầu, cô chưa hiểu chuyện gì nhưng chỉ vài giây, Maggia biết đó là ảnh hưởng của chất phát sáng khi cô miết đầu cọ bằng miệng. Do không nhận thức được sự nguy hiểm của chất phóng xạ Radium nên Maggia chẳng hề lo lắng, thậm chí cô còn tự hào vì hàm răng khác người. Hôm sau vào xưởng, cô kể lại chuyện này cho các đồng nghiệp như một phát minh kỳ lạ. Cynthia, người ngồi cạnh Maggia trong xưởng cho biết cô cũng gặp trường hợp tương tự: “Khi bạn trai tôi hôn tôi, anh ấy hoảng hốt vì tưởng tôi bị ma nhập”. Nhiều đồng nghiệp khác kể rằng quần áo của họ cũng có những đốm phát sáng, hậu quả của việc rơi vãi sơn Radium.
Và cũng kể từ đó, các nữ công nhân ở USRC chế ra một “mốt” mới. Cứ mỗi sáng thứ bảy cuối tuần, họ lại mang những bộ váy áo đẹp nhất vào xưởng rồi vẽ lên đó nhiều hoa văn, họa tiết bằng sơn Radium. Đến tối, trong những buổi họp mặt, tiệc tùng, khiêu vũ, họ được gọi là “ma nữ” bởi những mảng sáng lung linh, huyền ảo trên y phục của họ. Thậm chí có người còn vẽ cả lên tóc, lông mày, mi mắt. Nó quyến rũ đến mức rất nhiều thanh niên nam nữ nộp đơn, xin vào làm việc trong USRC. Về sau, trước lúc chết, trên giường bệnh Maggia kể: “Khi tôi hỏi Mae Cubberley, người hướng dẫn tôi kỹ thuật tô sơn lên chữ số đồng hồ, rằng loại sơn này có độc không thì Mae Cubberley trả lời: “Đương nhiên khi chúng tôi yêu cầu bạn phải miết đầu cọ trước khi chấm vào lọ sơn thì chúng tôi biết chắc loại sơn ấy không hề làm tổn thương bạn. Vì vậy, bạn không việc gì phải sợ”.
![]() |
Dùng miệng miết vào đầu cọ sơn là việc mà công nhân của USRC làm hàng trăm lần mỗi ngày. |
RADIUM LÀ GÌ?
Radium được vợ chồng nhà bác học Marie Curie và Pierre Curie tìm ra từ quặng Urani vào năm 1898. Nhưng đến năm 1910, họ mới phân lập được Radium. Thoạt đầu nó được xem là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất. Nó có màu trắng kim loại nhưng khi tiếp xúc với không khí, nó chuyển sang màu đen, phát ra ánh sáng xanh dương rất mạnh. Cùng một khối lượng, Radium có tính phóng xạ cao hơn 1 triệu lần so với Urani. Trong tự nhiên, để tự phân hủy một nửa thành phần của nó (từ chuyên môn gọi là “chu kỳ bán rã”), phải mất đến… 1602 năm!
Về mặt hóa học, cấu trúc nguyên tử của Radium gần giống với chất Canxi (chất vôi). Vì vậy khi nuốt vào, cơ thể sẽ hiểu nhầm Radium là Canxi nên nó được chuyển đến xương để tạo xương. Lâu dài, tế bào tạo xương đột biến, trở thành tế bào ung thư. Kể từ khi phân lập được Radium vào năm 1910, nhà bác học Marie Curie đã biết nó rất nguy hiểm khi chồng bà là Piere Curie bị bỏng vì bức xạ của nó. Trước đó - năm 1900 - nghĩa là chỉ 2 năm sau khi vợ chồng Marie Curie tìm ra Radium, nhà vật lý người Pháp Antonie Berquerel để một ống thủy tinh nhỏ có chứa Radium trong túi áo suốt 6 tiếng thì phát hiện da ông bị tổn thương (sau này Y học mới biết nó là một dạng của ung thư da). Khi ấy, Berquerel cho rằng Radium cũng sẽ tấn công tế bào ung thư như nó đã tấn công tế bào khỏe mạnh. Quan điểm của Berquerel phổ biến đến nỗi những năm đầu thế kỷ 20, Radium được các nhà sản xuất ở Mỹ cho vào kem đánh răng, các loại mỹ phẩm bôi ngoài da, nước uống, với niềm tin nó sẽ tiêu diệt tất cả mọi loại tế bào ung thư, cũng như đầy lùi mọi bệnh tật.
Nhưng đó mới chỉ là một phần của sự thật. Tiến sĩ Mitchell Glumber, Viện Ung thư quốc gia, Mỹ, phát biểu sau khi thảm kịch ở Công ty USRC xảy ra: “Nếu Radium đi qua một màng nhầy như nướu răng chẳng hạn, các nguyên tử của nó sẽ gắn chặt vào từng mô, phá hủy tế bào nướu, tế bào ngà ở men răng và tế bào xương ở chân răng. Hậu quả là sau một thời gian, toàn bộ vùng răng, hàm sẽ tự vỡ vụn…”.
CÁI CHẾT ĐẦU TIÊN
Tháng 1-1922, Mollie Maggia phải xin nghỉ việc vì những cơn đau răng triền miên. Khi đến gặp nha sĩ và khi tiến hành nhổ chiếc răng đau, ông nha sĩ hết sức bất ngờ vì lúc vửa cặp chiếc kìm vào cổ chân răng, nó vỡ vụn ra như cặp vào miếng vỏ bánh mì nướng.
Mollie Maggia trở về nhà nhưng vài ngày sau, những cơn đau tiếp tục hành hạ khiến cô lại phải đến gặp nha sĩ. Lần này, ông nha sĩ nhìn thấy ở chỗ lợi răng - là nơi chiếc răng đã nhổ - sùi lên một mảng nhìn giống một bông hoa màu đỏ vàng, có lẫn máu và mủ. Hơi thở cô bốc ra mùi hôi nồng nặc. Không biết phải làm gì, ông nha sĩ chỉ rửa khoang miệng của Mollie Maggia bằng nước muối rồi cho cô aspirin để giảm đau.
Lần thứ 3 - tháng 5-1922, Mollie Maggia đến gặp nha sĩ nhưng lần này hai hàm răng của cô đã tự rụng hết. Cô đau toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ vì xương tai bị áp xe. Khi ông nha sĩ đưa ngón tay vào miệng để thăm dò vùng hàm của Mollie Maggia thì toàn bộ hàm trên của cô rơi ra. Ông mô tả với Hội đồng Y sĩ của thành phố Orange sau đó: “Đơn giản là tôi chỉ đưa một ngón tay vào miệng rồi nâng xương hàm lên chứ hoàn toàn không hề có một tác động nào cả”.
Những ngày tiếp theo, toàn bộ hàm dưới của Mollie Maggia cũng tự rụng. Sáng ngày 12- 9-1922, các mô trong cổ họng Maggiae sưng to, cằm cô phình ra một cách quái dị. Mặc dù rất đau đớn nhưng Maggia không còn nói được nữa. Nằm liệt trên giường, cô đưa đôi mắt bất lực nhìn những người đến thăm. Không một ai hay biết chất phóng xạ Radium đã và đang chậm chạp, từ tốn đi qua các tĩnh mạch, các hạch bạch huyết đến tất cả các mô trong cơ thể.
5 giờ chiều, tĩnh mạch trong phổi Mollie Maggia bị vỡ. Máu trào đầy miệng cô theo từng nhịp thở. Hai y tá đứng cạnh cô bối rối vì chẳng biết phải làm gì. Vài phút sau, Maggia qua đời ở tuổi 24. Số phận một lần nữa lại quá tàn ác với cô khi trong tờ giấy chứng tử, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Mollie Maggia được bác sĩ ghi là bệnh giang mai…
VŨ CAO (Theo History - Radium Girls)
(Còn nữa)