Công báo liên bang Mỹ cho biết, tính đến ngày 7/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận 206 đơn kiến nghị liên quan đến cuộc điều tra đối với chip bán dẫn, thiết bị sản xuất chip bán dẫn và các sản phẩm phái sinh được tiến hành dựa theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhấn mạnh đến mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa Seoul và Washington, khi Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu chip nhớ sang Mỹ, còn Washington nhập khẩu chip logic và thiết bị sản xuất chip bán dẫn từ Seoul. Hàn Quốc cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ có thể phá vỡ mối quan hệ này và làm suy yếu ngành công nghiệp chip bán dẫn của Mỹ.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, không quốc gia nào có thể tự chủ toàn bộ chuỗi giá trị về chip bán dẫn, và thuế quan sẽ trở thành gánh nặng cho các công ty thiết kế chip bán dẫn và người dùng Mỹ. Tokyo hối thúc Washington xem xét lại việc áp thuế đối với thiết bị, vật liệu và sản phẩm phái sinh, đồng thời hợp tác trong nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng chip bán dẫn.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, cuộc điều tra lần này của Washington vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Mỹ bảo hộ quá mức ngành chip bán dẫn của nước này thông qua các khoản trợ cấp quy mô lớn trong những năm gần đây đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Mỹ lấy an ninh quốc gia để bảo vệ ngành công nghiệp nước này khỏi cuộc cạnh tranh với các quốc gia khác. EU đã kêu gọi Mỹ kiềm chế các hành động này.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cảnh báo việc áp thuế quan đồng loạt có thể làm tăng chi phí sản xuất chip bán dẫn và phát triển công nghệ nội địa, đề xuất Chính phủ Mỹ nên thiết lập hạn ngạch thuế quan, tức áp dụng mức thuế thấp hoặc tránh việc áp thuế chồng chéo.
YÊN THỦY