Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi tổ chức này, cho dù WHO đã cắt giảm mạnh ngân sách.
![]() |
Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. |
Theo báo cáo của Health Policy Watch, WHO dự kiến sẽ bị thiếu hụt tới 2,5 tỷ USD từ nay đến năm 2027.
Để chuẩn bị cho việc Mỹ sẽ chính thức rời đi vào tháng 1/2026, tổ chức này đã điều chỉnh ngân sách 2 năm 2026-2027 từ 5,3 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD. Sau cắt giảm, WHO sẽ bị thiếu tới 1,9 tỷ USD cho việc duy trì hoạt động. Trước đó, tổ chức này cũng đã cảnh báo thiếu 600 triệu USD cho ngân sách năm 2025. Như vậy, tổng số tiền thiếu trong 3 năm sẽ lên tới 2,5 tỷ USD.
Từ nhiều năm nay, Mỹ luôn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Trong giai đoạn 2022-2023, Mỹ đóng góp 1,3 tỷ USD cho tổ chức này, chủ yếu qua các khoản tài trợ tự nguyện cho các chương trình cụ thể, thay vì nộp phí thành viên cố định. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại nắm quyền vào tháng 1 vừa qua, ông đã quyết định rút Mỹ khỏi WHO và đóng băng hầu hết các viện trợ y tế quốc tế.
Trên thực tế, Washington không đóng phí thành viên WHO năm 2024 và cũng không có kế hoạch đóng cho năm 2025. Vì thế, số tiền phí thành viên mà Mỹ đang nợ WHO là 260 triệu USD.
Đáng chú ý, hành động của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến WHO, mà còn tác động tiêu cực đến nhiều tổ chức y tế và nhân đạo khác trên toàn cầu. Do nguồn tài chính suy giảm, WHO buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động. Trong một email nội bộ gửi cuối tháng 3, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo với các nhân viên rằng, WHO không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự và các chương trình y tế. Làn sóng cắt giảm sẽ được bắt đầu từ trụ sở chính với các vị trí lãnh đạo cấp cao, sau đó mở rộng ra tất cả các bộ phận, làm gián đoạn nhiều chương trình y tế thiết yếu.
THẢO NGUYÊN