Theo cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 1/2025 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,75 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.
![]() |
Người dân che dù tránh nắng nóng ở Tokyo, Nhật Bản. |
Điều này đánh dấu tháng thứ 19 liên tiếp ghi nhận nhiệt độ tăng cao, trong đó có 18 tháng vượt ngưỡng 1,5 độ C, một con số đáng lo ngại trong bối cảnh Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức này.
Không chỉ nhiệt độ không khí và đại dương tăng cao, diện tích băng biển Bắc Cực vào tháng 1/2025 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục hàng tháng, phản ánh rõ tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, lượng băng tại Greenland đang nứt ra với tốc độ nhanh hơn và khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm khoảng 14mm kể từ năm 1992. Nếu toàn bộ tảng băng Greenland tan chảy, mực nước biển có thể dâng lên tới 7m, đe dọa nghiêm trọng các thành phố ven biển trên toàn thế giới.
Gia tăng nhiệt độ toàn cầu không chỉ do các yếu tố tự nhiên, mà còn có tác động từ hoạt động của con người. Giới khoa học đồng thuận rằng, nguyên nhân chính của xu hướng ấm lên dài hạn là việc đốt nhiên liệu hóa thạch, thải ra lượng lớn khí nhà kính như CO2 và methane vào bầu khí quyển.
NGUYÊN THẢO