Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng rằng, kênh đào Panama về mặt pháp lý thuộc về Panama, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên cố gắng đòi lại nó, dù bằng cách cưỡng ép quân sự hay kinh tế.
Tàu chở hàng di chuyển qua kênh đào Panama gần thành phố Panama. |
Lãnh đạo Vụ Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Shchetinin nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng trong thảo luận dự kiến giữa giới lãnh đạo Panama và Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề kiểm soát Kênh đào Panama… các bên sẽ tôn trọng chế độ pháp lý quốc tế hiện hành của tuyến đường thủy quan trọng này”.
Tổng thống Panama José Raúl Mulino cũng đã bác bỏ đề xuất của ông Trump đối với việc Mỹ tiếp quản kênh đào. Mỹ sử dụng kênh đào Panama nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng là nước dành phần lớn nguồn lực để xây dựng công trình lịch sử này.
Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Trên thực tế, kênh đào dài 82km nối liền hai đại dương này được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ.
Tháng 12/2024, ông Trump cảnh báo sẽ yêu cầu chuyển giao lại kênh đào Panama, nếu Panama không quản lý công trình này theo cách chấp nhận được. Đến cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump cho biết, không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân đội để giành quyền kiểm soát Greenland và kênh đào Panama.
HẢI YẾN