Theo báo cáo Triển vọng và Tình hình kinh tế thế giới mới của LHQ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo duy trì ở mức 2,8% trong năm 2025, không đổi so với năm 2024 và thấp hơn mức trung bình 3,2% của giai đoạn 2010-2019 trước đại dịch COVID-19.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. |
Sự suy giảm này phản ánh nhiều thách thức cơ cấu của nền kinh tế thế giới, bao gồm đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học.
Tại các nền kinh tế lớn, Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm từ 2,8% trong năm 2024 xuống 1,9% trong năm 2025, chủ yếu do thị trường lao động suy yếu và chi tiêu tiêu dùng giảm. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm 2025, giảm nhẹ so với mức 4,9% của năm 2024.
Điểm sáng của bức tranh kinh tế toàn cầu đến từ khu vực Nam Á, dự kiến duy trì vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mức 5,7% trong năm 2025 và 6% trong năm 2026. Đóng góp chính cho thành tích này là sự phát triển ấn tượng của Ấn Độ - với dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,8% trong năm 2026, được thúc đẩy bởi tiêu dùng và đầu tư tư nhân mạnh mẽ.
Khu vực châu Âu cũng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khiêm tốn, với tăng trưởng cải thiện từ 0,9% năm 2024 lên 1,3% năm 2025.
Một tín hiệu tích cực khác là lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 4% trong năm 2024 xuống 3,4% trong năm 2025, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục hạ lãi suất và giảm bớt áp lực cho hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.
Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng chỉ riêng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu hoặc thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các nền kinh tế. Tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những hành động đa phương mạnh mẽ để giải quyết các thách thức lớn như nợ công, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
NGUYÊN THẢO