AI tạo sinh có thể làm gia tăng bất bình đẳng

Thứ Ba, 03/12/2024, 16:13 [GMT+7]
In bài này
.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sẽ tác động khác nhau đến thị trường việc làm địa phương ở các nước thành viên, làm trầm trọng thêm khoảng cách thu nhập và năng suất giữa thành thị và nông thôn hiện nay, cũng như khoảng cách số giữa các khu vực.

Robot trí tuệ nhân tạo vẽ tranh ở Geneva, Thụy Sĩ.
Robot trí tuệ nhân tạo vẽ tranh ở Geneva, Thụy Sĩ.

Theo báo cáo, sau 1 thập kỷ tăng trưởng việc làm, hơn 1/2 số khu vực OECD đạt tỷ lệ việc làm trên 70% vào năm 2023, với nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn, thu hẹp khoảng cách giới tính trong lực lượng lao động tại 84% số nước thành viên.

Tuy nhiên, bùng nổ việc làm cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tạo khoảng cách lao động theo khu vực, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông dân như Lombardy (Italy) và Hamburg (Đức) cũng như ở các khu vực đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số và già hóa.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cảnh báo mặc dù AI có tiềm năng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và thúc đẩy năng suất, song có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách số tùy theo khu vực. Đơn cử ở các khu vực thành thị như Stockholm (Thụy Điển) và Prague (CH Séc), khoảng 45% số người lao động có công việc tiếp xúc với AI tạo sinh, trong khi con số này ở các vùng nông thôn như Cauca (Colombia) chỉ là 13%.

Theo ông Cormann, để tận dụng tối đa lợi ích của AI, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào cơ sở hạ tầng số, cải thiện khả năng hiểu biết về số và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo rằng lợi thế của AI tiếp cận được tất cả các khu vực, đồng thời giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng tại địa phương.

THƯ KỲ

 
;
.