Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), ngành khai thác vàng đang phải vật lộn để duy trì tăng trưởng sản xuất khi trữ lượng “kim loại màu vàng” ngày càng khó tìm.
Vàng trang sức được bày bán tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). |
Giám đốc chiến lược thị trường của WGC, ông John Reade, cho biết: “Sau 10 năm tăng trưởng nhanh kể từ khoảng năm 2008, ngành khai thác vàng đang phải vật lộn để có thể tăng trưởng bền vững trong sản xuất”.
Ông giải thích thêm ngày càng khó tìm các mỏ vàng mới vì nhiều khu vực tiềm năng đã được khám phá. Theo ông Reade, sản lượng khai thác đã đạt kỷ lục trong quý 1/2024, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của WGC cho thấy sản lượng khai thác vàng chỉ tăng 0,5% vào năm 2023 so với năm 2022. Năm 2022, mức tăng trưởng là 1,35% so với năm 2021. Năm 2020, sản lượng vàng toàn cầu lần đầu tiên ghi nhận mức giảm trong một thập kỷ (giảm 1%). Theo WGC, việc khai thác vàng quy mô lớn cần nhiều vốn và mất trung bình 10-20 năm trước khi một mỏ vàng sẵn sàng để khai thác.
Trong khi đó, khả năng phát hiện mỏ có thể khai thác là thấp, chỉ khoảng 10% số mỏ vàng được phát hiện trên toàn cầu chứa đủ kim loại để bảo đảm khai thác. Bên cạnh đó, quá trình thăm dò, xin giấy phép của chính phủ ngày càng khó hơn và cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện, khiến việc khai thác trở nên khó khăn hơn, có thể mất vài năm.
Đó là chưa kể nhiều dự án khai thác vàng ở các khu vực vùng sâu vùng xa, đòi hỏi cơ sở hạ tầng như đường, điện và nước, dẫn đến tăng thêm chi phí trong việc xây dựng các mỏ.
Đến nay, khoảng 187.000 tấn vàng đã được khai thác, phần lớn ở Trung Quốc, Nam Phi và Australia.
THƯ KỲ