Theo cuộc khảo sát độc quyền của trang The Guardian (Anh), gần 80% người được hỏi, tất cả đều thuộc Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ít nhất 2,5 độ C. Trong số đó, gần một nửa dự đoán nhiệt độ sẽ tăng ít nhất 3 độ C. Chỉ 6% cho rằng nhiệt độ sẽ không vượt mức giới hạn 1,5 độ C theo thỏa thuận quốc tế.
Cây cối bị thiêu rụi do cháy rừng ở Rhodes, Hy Lạp, nơi hứng chịu trận cháy rừng lớn nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. |
Nhiều nhà khoa học hình dung tương lai bị “phủ bóng đen” - với nạn đói, xung đột, di cư hàng loạt do sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và bão có cường độ và tần suất vượt xa những gì đã xảy ra. Nhiều chuyên gia cho rằng họ cảm thấy vô vọng, phẫn nộ và sợ hãi trước hành động của các chính phủ, bất chấp bằng chứng khoa học rõ ràng.
Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cho dù nhiệt độ toàn cầu có tăng cao đến đâu, bởi chỉ cần giảm được 1 độ thì nỗi đau khổ của con người cũng sẽ giảm bớt.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cuộc sống và sinh kế trên toàn thế giới, với mức nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng 1,2 độ C trong 4 năm qua.
Mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất được coi là kim chỉ nam quan trọng cho các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách khí hậu hiện tại cho thấy thế giới dường như đang hướng tới mức tăng nhiệt độ khoảng 2,7 độ C. Và cuộc khảo sát của The Guardian cho thấy rất ít chuyên gia của IPCC dự báo thế giới sẽ thực hiện những hành động to lớn cần thiết để giảm mức nhiệt độ đó.
Chuyên gia Dipak Dasgupta tại Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi, cho biết: “Nếu thế giới này, dù giàu có đến đâu, không hành động gì để giải quyết hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, thì cuối cùng tất cả chúng ta đều thua cuộc”.
Các chuyên gia cũng giải thích lý do thế giới không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Gần 3/4 số người được hỏi cho rằng nguyên nhân là do thiếu ý chí chính trị, trong khi 60% đổ lỗi cho việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, chẳng hạn ngành nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều người cũng đề cập đến tình trạng bất bình đẳng và các nước giàu có thất bại trong việc giúp đỡ người nghèo, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi tác động của khí hậu.
Trong khi đó, 1/4 số chuyên gia của IPCC cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2 độ C hoặc thấp hơn. Song chính họ cũng bi quan với hy vọng của mình.
LAN ĐỨC