Ngày 18/7/1969, Theodore John Conrad, nhân viên giao dịch thuộc Ngân hàng hiệp hội quốc gia ở thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ đã lấy trộm 215.000USD (tương đương 1,6 triệu USD hiện nay) rồi bỏ trốn.
Conrard lúc làm việc ở ngân hàng, Conrad và con gái 6 năm trước khi chết. |
Mất tích
Sau 54 năm sống dưới cái tên giả là Thomas Randele, ngày 21/3/2023, trước khi lìa đời vì bệnh ung thư, ông thú nhận tội lỗi của mình với con gái ruột. Mọi sự có lẽ vẫn chìm trong bóng tối nếu con gái ông không đăng cáo phó bằng chính tên thật của ông…
Sinh ngày 10/7/1949 ở thành phố Denver, bang Colorado, năm 10 tuổi khi đang học lớp 4 thì cha mẹ Conrad ly dị nên ông và người chị theo mẹ về sống tại thành phố Lakewood, bang Ohio. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng cộng đồng Cuyahoga, ngành tài chính kế toán với hạng xuất sắc.
Đầu năm 1969, Conrad được nhận vào làm giao dịch viên tại Ngân hàng hiệp hội quốc gia, trụ sở đặt ở thành phố Cleveland, bang Ohio. Hằng tuần, Conrard có nhiệm vụ đóng gói tiền rồi chuyển đến các chi nhánh thuộc Ngân hàng hiệp hội quốc gia trong thành phố.
Chiều thứ Sáu, 11/7/1969, sau khi cho 215.000USD tiền mặt vào túi nhưng thay vì giao cho nhân viên vận chuyển, Conrad lặng lẽ bỏ tiền vào xe của mình rồi biến mất. Vụ việc chỉ được phát hiện vào đầu giờ sáng thứ Hai, 14/7 rồi đến thứ Sáu, lệnh truy nã Conrard được Cục Điều tra liên bang FBI ban hành trên toàn nước Mỹ với các tội danh trộm cắp tài sản quốc gia, cố ý làm sai lệch hồ sơ thanh toán, vận chuyển tiền tệ ngân hàng trái phép.
Trốn khỏi bang Ohio, thoạt đầu Conrard đến Washington DC rồi tiếp theo là Los Angeles, bang California. Cuối năm 1970, Conrard chuyển về thành phố Boston, bang Massachusetts và tại đây, ông lấy bằng lái xe với cái tên giả là Thomas Randele. Từ đó, ông ta sống dưới cái tên này.
Năm 1982, Thomas (tức Conrad) kết hôn với Isabella rồi có một con gái, đặt tên là Ashley. Lúc này, ông là nhân viên giao dịch của một đại lý xe hơi hạng sang ở thành phố Boston. Sau một thời gian, do năng nổ, thu hút được nhiều khách hàng, ông được đưa lên vị trí quản lý và đã giữ cương vị này trong suốt 40 năm. Nhận xét về Thomas, hàng xóm của ông và nhiều người trong cửa hàng đại lý xe hơi đều cùng chung ý kiến hiền lành, vui vẻ, nhiệt tình, không bao giờ làm mất lòng ai. Ngay cả cảnh sát địa phương cũng quý mến Thomas, thậm chí họ còn gọi ông là “công dân gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật”.
Trong suốt thời gian ấy, FBI vẫn không ngừng tìm kiếm Conrard. Các đặc vụ của FBI đã đến 42 bang trên toàn nước Mỹ mỗi khi nhận được những thông tin có liên quan đến ông. Tại bang Oregon, có lần FBI tưởng như đã bắt được Conrard khi một cư dân ở đây gửi thư tố cáo kèm theo hình ảnh nhưng khi đến nơi, qua xác minh mới biết là nhầm người.
Mùa Xuân năm 2021, Thomas khi ấy đã nghỉ hưu và được chẩn đoán là mắc ung thư phổi. Ashley, con gái ông kể lại: “Ngay khi nhận được kết quả sinh thiết, bố tôi vẫn rất thản nhiên. Thậm chí ông còn nói đùa rằng, đến bây giờ Chúa mới gọi bố về là quá trễ”.
Tự thú
Tối 20/1/2023, khi Ashley đang xem tivi trong phòng khách thì nghe tiếng Thomas gọi. Cô kể lại: “Bố tôi bảo tôi ngồi xuống cạnh giường. Ông nói “54 năm nay, có một chuyện mà bố vẫn giấu con. Bây giờ có lẽ là lúc nên nói ra sự thật”.
Vẫn theo Ashley, sự thật mà bố cô nói chính là vụ lấy trộm 215.000USD ở Ngân hàng hiệp hội quốc gia và việc kể lại để ông có thể ra đi trong thanh thản. Bên cạnh đó, Ashley cũng biết tên thật của bố cô là Theodore John Conrad, còn cái tên Thomas Randele chỉ nhằm che giấu tung tích.
Ashley nói: “Tôi hỏi bố tôi có cần cho cảnh sát biết không, và có nên trả lại tiền ấy hay không thì bố tôi lắc đầu: “Thôi con ạ. Những gì thuộc về quá khứ thì nên để cho nó ngủ yên. 54 năm đã trôi qua, người ta cũng đã quên bố rồi”.
Cũng tối hôm ấy, Ashley vào mạng Internet để kiểm chứng những gì bố cô nói. Sau một lúc tìm kiếm, trang Google cho ra hơn 200.000 kết quả về vụ trộm tiền ở Ngân hàng hiệp hội quốc gia. Cô nói: “Mặc dù đã 54 năm, tôi vẫn nhận ra bố tôi qua tấm ảnh đăng trên lệnh truy nã. Trong lòng tôi xuất hiện hai luồng cảm xúc trái ngược nhau. Một là bố tôi là kẻ tội phạm, hai là một người cha hết lòng vì gia đình. Tôi không biết phải xử sự thế nào. Im lặng hay nói ra sự thật?”.
Theodore John Conrad mất 2 ngày sau đó ở tuổi 74. Trong cáo phó, Ashley và mẹ cô quyết định ghi tên thật của ông vì cô nghĩ rằng sự việc xảy ra đã quá lâu, chắc cũng chẳng còn ai nhớ đến. Hơn nữa, Ashley cũng muốn bố cô ra đi không phải dưới cái tên của một người không có thật, mà là tên của chính ông.
Sáng 24/2/ 2023, Pete Elliott, đặc vụ FBI, con trai của đặc vụ Williams Elliott, người trực tiếp thụ lý vụ trộm ở Ngân hàng hiệp hội quốc gia nhận được một cuộc điện thoại. Người gọi cho biết “có một đám tang ở thành phố Boston, bang Massachusetts, tên của người chết là Theodore John Conrad, ngày tháng năm sinh, sinh quán trùng hợp với tên của kẻ trong lệnh truy nã vụ trộm ngân hàng …”.
Đặc vụ Pete nói: “Tôi mở lại hồ sơ để tìm hiểu đồng thời liên lạc với cảnh sát Boston. Hơn 2 tháng sau, họ trả lời cho tôi rằng trong hồ sơ tàng thư không có ai tên là Theodore John Conrad, sinh ngày 10/7/1949 ở thành phố Denver, bang Colorado nhưng có một người là Thomas Randele, ngày tháng năm sinh và nơi sinh giống như Conrard, chuyển đến Boston từ bang California năm 1970”.
Tuy nhiên phải mất thêm 4 tháng nữa, đặc vụ Pete mới có được bản sao dấu vân tay của Conrard, gửi từ Sở Cảnh sát thành phố Cleveland, bang Ohio và bản sao dấu vân tay của Thomas Randele do Sở Cảnh sát Boston cung cấp. Kết quả đối chiếu cho thấy dấu vân tay của cả hai chỉ là 1 người.
6 tháng sau ngày Conrard mất, đặc vụ Pete cùng các cộng sự gõ cửa nhà Ashley. Chẳng khó khăn gì trong việc đề nghị Ashley kể lại những gì cô biết về người cha của cô. Theo đặc vụ Pete, lệnh khởi tố Conrard được công bố nhưng đồng thời nó cũng được khép lại với 2 chữ ngắn ngủi: “Đã chết”.
Ông nói: “Về nguyên tắc, chúng tôi vẫn tổ chức họp báo để thông tin kết quả vụ án. Khi được các phóng viên hỏi rằng số tiền bị mất sẽ thu hồi như thế nào? Tôi trả lời: “Không có khả năng lấy lại được…”.
VŨ CAO
(Theo FBI Files)