Có hay không, thủy quái hồ Iliamna?

Thứ Sáu, 01/03/2024, 17:11 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 6/2/2017, một nhóm thợ săn nai sừng tấm trên một chiếc thuyền nhỏ ở hồ Iliamna, bang Alaska, Mỹ, bất ngờ nhìn thấy thứ gì đó gồm 3 đoạn hình tròn màu xám đen, mỗi đoạn dài khoảng 3m, đường kính ước chừng 1,5m nổi lên mặt hồ, gần một bầy chim thiên nga đang bắt cá. Giấy lát, những con thiên nga lần lượt bị kéo xuống nước rồi biến mất.

Quá hoảng sợ, nhóm thợ săn lao thuyền vào bờ nhưng họ không phải là những người đầu tiên nhìn thấy cái mà thổ dân bản địa Alaska gọi là “Jig-ik-nak”.

Đoạn phim đen trắng do Sockwell quay, được cho là những đám bọt nước.
Đoạn phim đen trắng do Sockwell quay, được cho là những đám bọt nước.

Là hồ lớn thứ 3 ở Mỹ, Iliamna nằm về phía Tây Nam bang Alaska với chiều dài 124km, rộng 35km, diện tích mặt nước 2.622 km2, độ sâu trung bình 44m.

Hồ Iliamna là đầu nguồn của sông Kvichak, nơi hàng năm có hơn 6 triệu con cá hồi mắt đỏ từ vịnh Bristol bơi vào để đẻ trứng. Do vị trí xa xôi, hẻo lánh, lại không phải là điểm du lịch nên việc tiếp cận hồ Iliamna chỉ có thể thực hiện bằng thủy phi cơ vì hiện tại, vẫn chưa có một con đường nào nối các khu vực xung quanh với hồ.

Vào mùa hè, cách duy nhất để đến hồ Iliamna là dùng thuyền kayak đi ngược sông Kvichak nhưng hầu hết chỉ là thổ dân địa phương am hiểu luồng lạch. Theo truyền thuyết của thổ dân, hồ Iliamna là nơi sinh sống của một con thủy quái, được họ gọi là Illie, Gonakadet hay Jig-ik-nak. Nó xuất hiện mỗi năm 1 lần vào mùa cá hồi đẻ trứng và nhiều người đã nhìn thấy nó.

Những thông tin ấy khiến Mark Stigar, đại tá, cựu chỉ huy hàng không thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Alaska nổi máu tò mò. Stigar đã nghe những câu chuyện này nhiều năm mặc dù ông không mấy tin tưởng. Ông nói: “Chỉ đến tháng 3/2017, sau vụ những thợ săn nhìn thấy thủy quái, tôi quyết định khám phá bằng cách thả xuống hồ 1 sợi dây cáp bằng thép có 14 lưỡi câu, mỗi lưỡi cách nhau 10m ở độ sâu 33m, mồi câu là đầu cá hồi mắt đỏ. Sợi cáp được cố định bằng 1 mỏ neo nặng 20kg”.

Sau 3 ngày thả câu, một buổi sáng ông Stigar tiến hành kiểm tra và rất kinh ngạc khi thấy chiếc mỏ neo đã bị lôi đi xa hơn 50m, dây câu bị rối nhưng không có sinh vật nào dính câu mặc dù phần lớn mồi câu đã biến mất. Ông nói: “Chắc chắn thủ phạm không phải là cá hồi vì chúng không ăn thịt đồng loại, hơn nữa chúng cũng không thể kéo chiếc mỏ neo đi vì chúng không đủ sức, mỏ neo đã được cố định vào lớp đất sét ven bờ. Nếu bị kéo, 3 ngạnh của mỏ neo sẽ móc chặt vào đất. Vì vậy, loại nào làm được việc này hẳn là rất khoẻ”.

Ảnh do Anderson chụp, lần này thủy quái có thể là cá mái chèo.
Ảnh do Anderson chụp, lần này thủy quái có thể là cá mái chèo.

Khi sự việc được ông Stigar công bố, tờ báo địa phương Anchorage Daily News treo giải thưởng 100.000 USD trong thời gian 6 tháng cho bất kỳ ai đưa ra bằng chứng rõ ràng về con vật ở hồ Iliamna nhưng đến cuối năm, giải thưởng vẫn không có người nhận trong lúc dân bản địa khẳng đinh nó có hình dạng như một con rắn, dài khoảng 20 đến 30m, đầu to ở phần trên rồi thuôn dài ở miệng. Mỗi khi xuất hiện, chỉ một phần thân của nó chia làm 2 hoặc 3 đoạn, nổi lên mặt nước.

Mãi đến tháng 9/2019, một phi công dân sự là Stockwell khi lái chiếc máy bay du lịch Cessna 4 chỗ ngồi từ Fairbank đến Anchorage thì lúc bay ngang hồ Iliamna, ông nhìn thấy trên mặt nước những hình thù giống như một con vật nào đó đang nổi lên. Trên máy bay lại có sẵn máy quay phim nên Stockwell kịp ghi lại hình ảnh này ở chế độ đen trắng và chỉ dài 3 giây. Ông nói: “Tôi lượn vòng trở lại rồi sà xuống thấp, cốt để quay cận cảnh nhưng con vật đó đã biến mất”.

Đoạn video do Stockwell ghi được đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh cãi. Một số các chuyên gia thủy sản cho rằng những mảng trắng nổi trên mặt nước chỉ là những đám bọt do bầy cá tranh ăn tạo thành. Để khẳng định, họ còn chỉ ra ở góc phải của khung hình, cũng có một đám bọt. Tiến sĩ Campbell, đại diện cho những người phản bác nói: “Nếu cho rằng hình ảnh ấy là của con thủy quái thì cái đám màu trắng bên phải khung hình là đầu hay đuôi của nó? Mà dù có là đầu hay đuôi chăng nữa, chẳng lẽ con vật này có thể uốn éo thân mình theo… hình vuông?”.

Với những chuyên gia địa chất thủy văn, họ cũng nói hình ảnh do Stockwell ghi được tạo ra bởi sự biến đổi của các loài thủy sinh, phát xuất từ những dòng chảy ngầm dưới hồ. Và trong khi sự việc vẫn chưa ngã ngũ thì ngày 27/9/2021, ngư dân bản địa Chuck Allen khi đang thả lưới cá hồi trên hồ đã tận mắt nhìn thấy con thủy quái, nổi lên cách thuyền của ông khoảng 15m. Ông nói: “Tôi không thấy đầu và đuôi của nó nhưng theo những gì tôi đã chứng kiến, nó giống như một con rắn rất to, 3 đoạn thân của nó uốn cong trên mặt nước rồi chỉ vài chục giây, nó lặn xuống.

Nhưng không chỉ ngư dân Chuck Allen nhìn thấy thủy quái mà có một sự trùng hợp tình cờ: Ngay thời điểm ấy phi công Anderson lái chiếc máy bay riêng Pipe Club 2 chỗ ngồi bay qua cũng đã chụp được con thủy quái. Lần này, nó lại được cho là cá tầm! Nhà sinh vật học Wade thuộc Ủy ban thủy sản Mỹ giải thích: “Cá tầm là loài cá nước ngọt bản địa lớn nhất Bắc Mỹ. Nó sống ở Alaska và các một số bang dọc Thái Bình Dương, có thể nặng hơn 300kg, dài hơn 15m, sống hơn 100 năm”.

Tuy nhiên thổ dân và những người đánh cá lâu năm ở Alaska khẳng định hồ Iliamna không hề có cá tầm vì chưa bao giờ họ bắt được loài cá này. Ngư dân bản địa Konak nói: “Có lần, chiếc thuyền của tôi va chạm với thứ gì đó rất mạnh. Lúc vào bờ, tôi thấy chân vịt thuyền có những vết như bị răng cắn. Chẳng lẽ cá tầm cắn được cả vào chân vịt bằng đồng?”

Một ngư dân khác là Chamberlain kể tiếp rằng năm 2017, khi ông đang chèo thuyền kayak ở đầu phía bắc hồ Iliamna thì nhìn thấy từng cuộn sóng trên mặt nước ập về phía trái thuyền. Lúc nó đến gần, thuyền của ông bị va chạm rất mạnh. Ông nói: “Tôi đưa mái chèo xuống nước cố giữ thăng bằng thì như bị ai đó giật lấy. Rút mái chèo lên, một mảng gỗ lớn gần bằng hai bàn tay ở đầu mái chèo biến mất”.

Cho đến nay, mặc dù có cả hình ảnh lẫn lời chứng của nhiều người nhưng con quái vật hồ Iliamna vẫn là bí ẩn. Theo Ủy ban thủy sản Mỹ, hồ Iliamna nối với vịnh Bristol và vịnh Bristol lại ăn thông ra biển Bering nên rất có thể một con cá mái chèo, loại cá có khả năng dài đến 30m, nặng 300kg đã theo một lối ngầm nào đó vào hồ để tìm thức ăn là cá hồi mắt đỏ.

Tim Page, nhà quay phim lừng danh của kênh  truyền hình Điạ lý quốc gia (National Geographic), chuyên thực hiện những phim về đời sống dưới đại dương cho biết ông dự định sẽ tiến hành khảo sát hồ Iliamna bằng thiết bị lặn điều khiển từ xa để xem có dòng chảy ngầm nào thông ra biển Bering hay không. Nếu có, ông sẽ trực tiếp lặn xuống với tàu ngầm mini vào mùa cá hồi đẻ trứng: “Nếu quả thật có con thủy quái, hy vọng là tôi sẽ thu được hình ảnh của nó để làm sáng tỏ truyền thuyết đã tồn tại hàng trăm năm nay…”.

Cũng liên quan đến thủy quái hồ Liamna, hơn 60 năm nay người ta vẫn chưa tìm được lời giải thích về con thủy quái ở hồ Loch Ness, Scottland, mặc dù có người đã chụp được hình nó khi nó nổi lên. Nhiều cuộc khảo sát đáy hồ cũng đã được tiến hành nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Vì vậy, câu trả lời về “thủy quái” vẫn còn là dấu hỏi!

VŨ CAO (Theo Traveller)

 

;
.