Bi kịch của người tị nạn ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ khi những cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Công hòa Dân chủ Congo (DRC) và nhóm phiến quân M23 nổ ra, hơn 6,2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa để tạm trú trong những trại tị nạn và sống nhờ vào hàng cứu trợ nhưng không phải lúc nào cũng có. Ở nhiều trại, nước uống chỉ được phát mỗi người 1 lít mỗi ngày…

Dân thường Congo lũ lượt rời bỏ nhà cửa mà không biết cái đói đang chờ đón họ.
Dân thường Congo lũ lượt rời bỏ nhà cửa mà không biết cái đói đang chờ đón họ.

Một trong những trại tị nạn lớn nhất ở DRC hiện nay là trại Bulengo với hơn 100 ngàn người, sống chen chúc trong những lều bạt dưới ánh nắng gay gắt ban ngày và cái lạnh buốt da khi đêm xuống bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.

Hầu hết người tị nạn đến từ TP.Goma, nơi có 2 triệu dân nằm ngay biên giới giữa DRC và Rwanda, cạnh núi lửa Nyiragongo vẫn đang hoạt động. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo ở DRC (OCHA) thuộc Liên hợp quốc, chỉ riêng vùng ngoại ô Goma hiện có khoảng nửa triệu người sống trong các trại tị nạn và con số này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Người phát ngôn của OCHA cho biết chỉ trong 5 ngày, từ 2/2 đến 7/2/2024, các trại tị nạn ở phía Nam Kivu đã tiếp nhận 135 ngàn người.

Kể từ khi xung đột bùng nổ hồi đầu năm 2022 giữa quân đội Chính phủ DRC và nhóm phiến quân M23 được nước láng giềng Rwanda hậu thuẫn, các tay súng M23 đã bao vây TP.Goma bằng cách đánh chiếm thị trấn Sake, là tuyến phòng thủ quan trọng để bảo vệ Goma. Từ lãnh thổ Rwanda, máy bay không người lái do phi công Rwanda điều khiển, tiến hành nhiều vụ ném bom vào sân bay Goma.

Bên cạnh đó, Rwanda còn đặt những giàn phóng tên lửa ngay sát biên giới. Những hình ảnh do các nhà điều tra độc lập của Liên hợp quốc công bố cho thấy máy bay không người lái của quân đội Rwanda cũng như các tên lửa phóng loạt đã lao vào đất DRC để hỗ trợ M23.

Tuy nhiên, ông Paul Kagame, Tổng thống Rwanda phủ nhận những cáo buộc này đồng thời ông còn tố ngược rằng DRC hiện đang nhận được sự hậu thuẫn của quốc gia láng giềng Burundi, Nam Phi, Tanzania và Malawi với hàng ngàn binh sĩ. Bên cạnh đó, cùng tham chiến với quân đội DRC còn có lực lượng dân quân Wazalendo (Những người yêu nước) và các nhà thầu quân sự tư nhân châu Âu.

Nhưng cũng như những cuộc chiến tranh khác, đa số nạn nhân vẫn là dân thường vô tội. Tại bệnh viện Ndosho ở Goma, nhân viên y tế làm việc suốt ngày đêm để chữa trị cho những người bị thương trong nỗi lo sợ có thể bị giết bất cứ lúc nào.

Moustapha Ngabo, 36 tuổi, đứng bên ngoài phòng cấp cứu lo lắng nhìn các bác sĩ khám cho đứa con gái hai tuổi của mình. Áo sơ mi của ông dính đầy máu từ vết thương trên mình con gái. Moustapha nói: “Ngày 13/2, quân đội và M23 bắn nhau ngay trong làng. Mọi người bỏ chạy và hầu như chẳng ai mang theo được gì. Một quả đạn pháo nổ cạnh chỗ tôi, mảnh đạn ghim vào lưng con tôi…”.

Abdou Rahmane Boubacar Sidibe, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Ndosho cho biết phòng cấp cứu chỉ có 50 giường thì nay đã tăng lên 120 giường, trong đó 40 giường là những tấm nệm đặt trên sàn nhà: “4 phòng mổ hoạt động hết công suất. Nhiều bác sĩ  mổ xong chỉ kịp thay đôi găng tay đầy máu rồi quay vào mổ tiếp. Với những trường hợp nhẹ, không cần phải gây mê mà chỉ cần gây tê, chúng tôi mổ ngay tại phòng tiếp nhận bệnh nhân”.

Ở một giường bệnh, Nitagni Maombi, 30 tuổi, đầu, chân và bụng là những giải băng trắng xóa cho biết cô đã rời Masisi đến Sake với hy vọng sẽ được an toàn nhưng trưa ngày 12/2, một vụ nổ đã hất tung cô và con gái. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, Naombi mới biết con mình đã chết: “Nó là đứa con duy nhất của tôi”, Maombi nói trong nước mắt: “Tôi còn biết phải đi đâu nữa bây giờ”.

Với những người ở trong các trại tị nạn, ngoài việc bom rơi đạn nổ thì cái đói và cái khát là nỗi ám ảnh triền miên. Mấy ngày đầu tháng 2, mỗi người còn được nhận nửa ký bột bắp (ngô) mỗi ngày cùng 1 lít nước, nhưng từ 27/2 đến nay, con số này giảm xuống còn nửa ký cho 2 ngày.

Để có nước nhồi bột nướng bánh, họ phải tìm đến những con lạch đầy bùn đất, vét lấy từng chút. Chất đốt cũng thế, họ đốt tất cả những gì có thể có được như giấy, bìa, thùng các-tông, cành cây và thậm chí là cả quần áo rách. Mỗi khi có xe chở lương thực của Liên hợp quốc xuất hiện, người tị nạn vây kín chung quanh vì ai cũng sợ đến lượt mình thì hết!

Amani, 40 tuổi, thành viên trong ban điều phối hàng viện trợ nói: “Ngày nào cũng có cả trăm người đổ về trại. Mọi dự toán cung cấp bột bắp, lúa mạch, muối, nước uống của chúng tôi nhanh chóng trở thành lạc hậu nên chỉ còn cách là chia nhỏ hơn nữa”.

Feresiyane Sehazungu, 73 tuổi, đến từ thị trấn Sake đã không có gì ăn kể từ khi ông vào trại 2 ngày trước. Nằm trên nền đất với tấm chăn cáu bẩn quấn ngang người, ông nói: “Tôi chẳng còn sức ngồi dậy để đến chỗ lĩnh thực phẩm cứu trợ, cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến tôi. Tất cả xem tôi như đã chết”.

Gần chỗ Feresiyane Sehazungu còn có hàng chục người khác, nằm chờ đến lúc tử thần gọi tên. Bác sĩ Nkamo, thuộc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nói: “Chúng tôi phải cử người đến xem ai còn sống để đưa vào bệnh viện nhưng cứ đưa được số này đi thì chỉ vài giờ sau, lại có những người mới thế chỗ”.

Theo Chương trình lương thực thế giới Liên hợp quốc (WFP), có khoảng 25 triệu người Congo đang lâm vào nạn đói bởi những cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân M23, trong đó gần 7,7 triệu người bao gồm 1 triệu trẻ em sẽ “chết đói trong tương lai gần nếu không được cung cấp lương thực kịp thời”.

Chẳng những thế, hơn 100 chiến binh M23 đầu hàng quân chính phủ cùng vợ con họ đã chết đói trong trại quân sự hẻo lánh Kotakoli ở phía Tây Goma vì không còn cái gì để ăn mặc dù khi chuyển họ về đây, cấp chỉ huy quân đội DRC đã hứa như đinh đóng cột: “Chỉ trong ngày mai, các anh sẽ được tiếp tế đầy đủ”.

Ông Tomson Phiri, người phát ngôn của WFP nói: “Congo có hàng chục triệu mẫu đất bỏ hoang nhưng cũng có hàng chục triệu người sống trong các trại tị nạn bẩn thỉu. Cả nước hiện có 120 nhóm vũ trang chống chính phủ nên để vận chuyển 1 xe lương thực từ Goma đến trại tị nạn Beni, cách đó 241km, chúng tôi phải đi mất 4 ngày!”. Sự việc chắc chắn sẽ tồi tệ hơn khi những người lính cuối cùng của đội quân gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc đã rút khỏi quốc gia này vào ngày 28/2/2024.

Ông Jean Egland, phụ trách vấn đề nhân đạo của ICRC ở DRC nói: “Thật kinh ngạc! Congo là nước có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản quý, đặc biệt là kim cương. Một nửa số kim cương hiện đang lưu hành trên thế giới xuất xứ từ Congo. Quốc gia này không bị bỏ rơi bởi những kẻ đang khai thác sự giàu có của nó. Họ chỉ bỏ rơi chính người dân họ mà thôi…”.

VŨ CAO
(Theo Africa Today)

;
.