Có 37 người con vì hiến "giống"

Thứ Sáu, 23/02/2024, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 1993, Peter Ellenstein lúc ấy 27 tuổi có cuộc sống rất cơ hàn. Để tồn tại, anh chọn cách hiến tinh trùng cho một ngân hàng tinh trùng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Mỗi lần hiến, anh được bồi dưỡng 45USD nên cứ mỗi tuần anh hiến 5 lần. Sau này, anh phát hiện mình có tới... 37 người con từ việc làm này.

Cuộc gặp đầu tiên của Peter cùng 5 người con (Petr ngồi giữa, Rachel  thứ 2 từ trái qua).
Cuộc gặp đầu tiên của Peter cùng 5 người con (Peter ngồi giữa, Rachel thứ 2 từ trái qua).

Theo luật Mỹ, người hiến tinh trùng được giữ bí mât về nhân thân. Ngân hàng tinh trùng chỉ thực hiện các xét nghiệm nhằm đánh giá chất lượng rồi sau đó, ngân hàng cung cấp cho ai để thụ thai cũng được giữ bí mật.

Tiến sĩ Malcolm, chủ tịch Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ giải thích: “Quy định này nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra về sau, nhất là quyền thừa kế và nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu người hiến tinh trùng hoặc người nhận là người giàu có. Chỉ trừ trường hợp duy nhất là nếu người ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người cho, mắc phải bệnh ung thư máu, cần đến tủy xương của người cho để cấy ghép thì lúc ấy, ngân hàng sẽ trực tiếp liên hệ với người cho để hỏi ý kiến xem họ có đồng ý hiến tủy hay không”.

Sau hơn 5 năm liên tục “hiến giống” Peter tích lũy được một số vốn kha khá. Công việc kinh doanh đầu tiên của ông là thuê lại một rạp hát đang thua lỗ rồi bằng nhiều biện pháp, ông làm sống lại nhà hát này trên cương vị giám đốc nghệ thuật. Peter nói: “Chỉ mất 2 năm, tôi mua luôn rạp hát. Trong 8 năm tiếp theo, tôi vừa là diễn viên, vừa là nhà sản xuất và đạo diễn. Nhà hát của tôi quy tụ gần 100 tài năng ca, nhạc, kịch nên chúng tôi thường xuyên được mời đi lưu diễn ở nhiều bang”. Tài sản của ông lúc ấy ước tính gần 5 triệu USD.

Năm 48 tuổi, Peter lấy vợ nhưng không có con. Theo Peter, có thể việc hiến tinh trùng với tần suất dày đặc, kéo dài nhiều năm đã làm “cạn kiệt nguồn sản xuất” trong cơ thể. Ông nói: “Trước khi lấy tôi, vợ tôi đã có 1 đời chồng và 1 đứa con gái nhưng đáng buồn thay, vì nhiều lý do nên cuối tháng 3/2015 chúng tôi ly hôn”.

Tin nhắn định mệnh

10 giờ 55 phút ngày 6/10/2017, Peter đang ngồi trong quầy cà phê của khách sạn Ritz ở San Francisco thì điện thoại của ông báo có tin nhắn. Ông kể: “Đó là một cái tên lạ. Mở ra xem, tôi thấy người nhắn cho tôi viết rằng: “Chào ông Peter, tôi nhắn cho ông trong một hoàn cảnh rất khó xử vì đây là chuyện nhạy cảm. Tôi tên là Rachel, tôi chào đời năm 1994 bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và người cho tinh trùng là ông. Khi biết ông là ai, tôi đã rất đắn đo vì tôi không muốn ông nghĩ rằng tin nhắn này chỉ nhằm để trục lợi”.

Vẫn theo Peter, ông rất sốc và có chút hoảng sợ lúc đọc xong. Liên hệ với ngân hàng tinh trùng, ông được biết nhân thân ông vẫn được giữ bí mật. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cho Peter biết là từ đó đến nay, chẳng ai hỏi han tìm hiểu gì về ông nên họ khuyên ông nên cẩn thận, đề phòng bị tống tiền!

Và mặc dù đã tự dặn lòng mình là không trả lời tin nhắn của Rachel nhưng trong thâm tâm Peter, có một cái gì đó thôi thúc ông. Ông kể tiếp: “Đắn đo mãi, tôi quyết định nhắn cho Rachel. Trong tin nhắn, tôi kể rằng ngày xưa vì quá nghèo nên tôi phải hiến tinh trùng để tồn tại và tôi hoàn toàn không biết ngân hàng đã cho ai…”.

Gần như ngay lập tức, ông nhận được câu trả lời của Rachel: “Người ấy là mẹ tôi. Bà mất vì bệnh ung thư cách đây 5 năm. Trước khi lìa đời, bà đã kể cho tôi nghe vì sao bà lại làm thụ tinh nhân tạo, rằng bà đã có chồng nhưng không có con mà nguyên nhân là do chồng bà. Vì thế bà quyết định có môt đứa con sau khi li dị…”.

Trong ngày hôm đó, ông và Rachel đã trao đổi với nhau 96 tin nhắn. Qua đó, ông biết cô đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng không học đại học mà theo đuổi ngành âm nhạc và thời điểm ấy, cô vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà sản xuất chương trình. Ông Peter nói: “Tôi tin chắc nó mang gien của tôi nên tôi quyết định trò chuyện qua video với nó và khi vừa nhìn thấy mặt nó, tôi đã thốt lên: Con ơi! Không gì có thể khiến bố nghi ngờ rằng con không phải là con của bố”.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Nước Mỹ ngày nay về quá trình tìm cha, Rachel cho biết khi cô đặt vấn đề với Ngân hàng tinh trùng Los Angeles thì nơi đây trả lời rằng tất cả những người hiến tinh trùng đều phải làm xét nghiệm DNA nhằm phát hiện những bất thường về gien nhưng họ từ chối so sánh DNA của cô và Peter vì luật không cho phép. Vì thế cô phải “đi đường vòng” nhưng không rõ cách “đi đường vòng” của Rachel là như thế nào.

Theo các chuyên gia di truyền học, rất có thể một nhóm có tên “DNA 23 and Me”, là nơi quy tụ những người sinh ra nhờ tinh trùng hiến tặng ở Mỹ đã giúp Rachel tìm được Peter. Chưa hết, sau khi đã xác định Peter là cha mình, Rachel còn lập cây phả hệ với kết quả đáng kinh ngạc: 36 người khác cũng là con của ông!

Một tuần sau tin nhắn của Rachel gửi Peter, hai cha con gặp nhau tại nhà một người bạn cô. Theo ông Peter thì: “Những người có mặt đều nói mắt, mũi, miệng nó giống hệt tôi, kể cả cách nó diễn đạt một vấn đề nào đó. Điều này đã mở ra trong trái tim tôi một cánh cửa mà trước đây chưa từng tồn tại…”.

Trong cuộc gặp gỡ ấy, ông Petre càng bất ngờ hơn khi Rachel đưa ông xem tấm bản đồ về cây phả hệ. Ông nói: “Hóa ra không chỉ một mình Rachel mà tôi còn 36 đứa con. Chúng sống ở nhiều nơi, cả ở Mỹ lẫn châu Âu, đứa nhỏ nhất cũng đã 37 tuổi, nhiều đứa đã có vợ, có chồng, có con nên tôi không chỉ là cha mà còn là ông nội, ông ngoại…”.

Đoàn tụ

Tháng 6/2023, qua sự sắp xếp của Rachel, ông Peter gặp 5 người con đầu tiên ở nhà hàng Mazel, Los Angeles. Từ đó đến cuối năm, ông tiếp tục gặp thêm những người nữa, tổng cộng là 34 người. 3 người còn lại không đến được vì 2 ở Nam Mỹ, 1 ở Trung Đông nhưng cả 3 vẫn theo dõi cuộc gặp qua video. Tất cả chi phí cho những cuộc gặp gỡ này đều do ông Peter chi trả. Ông nói: “Chúng tôi cười, ôm nhau rồi khóc trong xúc động, đến nỗi tất cả những người có mặt trong nhà hàng hôm ấy đều rơi nước mắt”.

Dịp tết 2024, ông Peter gặp 3 người con còn lại nhưng ông không rõ con số ấy đã chấm dứt hay chưa. Theo tờ Nước Mỹ ngày nay, rất có thể câu chuyện về 37 người con của Peter sẽ là ngưồn cảm hứng cho những người khác, ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng hiến tặng sẽ tìm lại lai lịch của mình. Trả lời câu hỏi này, ông Peter đáp: “Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, lại có người gặp tôi và nói tôi là cha họ”.

Vẫn theo tạp chí Nước Mỹ ngày nay, tài sản hiện tại của Peter ước tính vào khoảng 25 triệu USD nhưng không một người con nào của ông quan tâm đến chuyện ấy. Rachel nói: “Với tất cả chúng tôi, tìm được máu mủ của mình là món quà quý giá nhất trong đời mà không thứ gì có thể mua được”.

Ông Peter cho biết trong số 37 người con của ông, có 9 người về làm việc với ông, còn 18 đứa cháu vừa nội vừa ngoại ở tuổi vị thành niên, ông cam kết sẽ nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Ông nói: “Sau những cuộc gặp ấy, tôi tiếp tục gặp gỡ mẹ chúng và cả cha dượng của chúng. Hầu hết đều rất vui. Nhiều bà mẹ cảm ơn tôi vì nhờ tôi mà con họ ra đời. Tôi sung sướng vì điều đó nhưng cũng có chút xấu hổ và ân hận”. 

Peter tiếp lời: “Nếu bạn hỏi tôi tại sao thì câu trả lời của tôi là khi đã thành công trong cuộc sống, lẽ ra tôi phải là người chủ động việc tìm kiếm nhưng tôi đã không làm. Nếu không có Rachel, giờ này tôi vẫn không biết mình có 37 đứa con. Sợi dây tình cảm mới khiến tôi phải suy ngẫm sâu sắc. Cho đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết nhưng bây giờ tôi bắt đầu cân nhắc. Tôi sẽ để lại gì cho con cháu tôi khi nhắm mắt xuôi tay? Nếu chỉ là tài sản thì không đủ và cũng không bao giờ đủ...”.

VŨ CAO (Theo USA Today)

;
.