Ngày 18/2, Bộ trưởng Kinh tế Argentina, ông Luis Caputo cho biết, trong tháng 1 vừa qua, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2012, Argentina không thâm hụt ngân sách và đạt mức thặng dư hơn 518 tỷ peso (tương đương 600 triệu USD), nhờ áp dụng triệt để kỷ luật trong chi tiêu ngân sách.
Trên tài khoản mạng xã hội X, ông Caputo thông báo đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2011, Argentina không thâm hụt ngân sách trong tháng 1 và tái khẳng định chính phủ sẽ không thương lượng về chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Từ khi nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, ông Caputo nhiều lần nhấn mạnh Argentina bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước bởi ngân sách đã cạn kiệt.
Tổng thống Javier Milei cũng bình luận về tín hiệu khả quan này khi nhấn mạnh, việc cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách là vô cùng cần thiết trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế Argentina hiện nay.
Trước đó, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) thông báo, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 1/2024 tăng 20,6% so với tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 25,5% ghi nhận trong tháng 12/2023.
Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina, Manuel Adorni, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng lạm phát tại nước này đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách, Chính phủ Tổng thống Milei đã không gia hạn hợp đồng lao động và sa thải hàng ngàn người lao động ở khu vực công, cắt giảm trợ cấp đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản, bỏ trợ giá phương tiện giao thông công cộng và xăng dầu, cũng như nhiều trợ cấp xã hội và dịch vụ y tế công.
Việc cắt giảm này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội và người lao động. Tuy nhiên, Chính phủ Argentina vẫn rất cứng rắn trong việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và khẳng định “sẽ không có bất kỳ thương lượng nào” với phe đối lập trong vấn đề này.
DIỆU HƯƠNG