Liên hợp quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Thứ Sáu, 05/01/2024, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong báo cáo “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2024” công bố ngày 5/1, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng.

Cảng hàng hóa ở Rio de Janiero (Brazil).
Cảng hàng hóa ở Rio de Janiero (Brazil).

Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của cả 2 năm đều dưới 3%, mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Dự báo của Liên hợp quốc thấp hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2023 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 11/2023.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức ước tính 3% trong năm 2023, xuống 2,9% trong năm 2024. OECD dự kiến mức tăng trưởng sẽ chậm lại từ 2,9% trong năm 2023 xuống 2,7% trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo khả năng các điều kiện tín dụng thắt chặt trong thời gian dài và lãi suất tăng là những trở ngại lớn đối với kinh tế thế giới khi đang mắc nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nghèo hơn, và cần đầu tư để phục hồi tăng trưởng.

Theo báo cáo, lạm phát trên toàn cầu ở mức 8,1% trong năm 2022 ước giảm xuống 5,7% trong năm 2023 và 3,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, ở khoảng 1/4 số quốc gia đang phát triển, lạm phát được cho là ở mức trên 10% trong năm nay.

Trong khi kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng trong năm 2023, mức tăng trưởng được dự báo giảm từ 2,5% trong năm 2023 xuống 1,4% trong năm 2024.

Trong khi đó, với lạm phát và lãi suất cao, báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng châu Âu đối mặt với triển vọng kinh tế thách thức.

GDP của Liên minh châu Âu được dự báo tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, 1,2% trong năm 2024, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng khi sức ép giá cả giảm, lương thực tế tăng và thị trường lao động vẫn ổn định.

Kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng 1,2% trong năm 2024, so với mức ước tính 1,7% trong năm 2023. Lạm phát tăng có thể là dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm phát chấm dứt sau khi kéo dài hơn 2 thập kỷ.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Liên hợp quốc nhận định đà phục hồi sau đại dịch chậm hơn dự kiến, do những trở ngại cả bên trong và bên ngoài.

Với tăng trưởng kinh tế đạt 3% trong năm 2022, báo cáo cho rằng kinh tế Trung Quốc có sự bứt phá trong nửa cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,3%.

Tại các nền kinh tế đang phát triển, Liên hợp quốc nhận định tăng trưởng kinh tế ở châu Phi sẽ vẫn yếu, tăng nhẹ từ mức trung bình 3,3% trong năm 2023, lên 3,5% trong năm 2024.

Khủng hoảng khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp và ảnh hưởng đến ngành du lịch, trong khi bất ổn địa chính trị tiếp tục gây tác động tiêu cực đến một số khu vực.

Liên hợp quốc dự báo các kinh nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm tốc tăng trưởng từ 4,9% năm 2023, xuống 4,6% trong năm 2024. Ở Đông Á, tăng trưởng dự kiến đạt 2,9% trong năm 2024, so với mức 1,7% trong năm 2023.

LÊ MINH

;
.