Kể từ khi phong trào Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10/2023, theo số liệu của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), đến nay đã có 83 phóng viên chết vì bom đạn khi thực hiện việc đưa tin về cuộc chiến này. Ngoài ra còn có 16 nhà báo bị thương, 3 mất tích và 26 người khác bị bắt bởi cả Israel lẫn Hamas…
Các nhà báo đưa thi thể đồng nghiệp Hatab đến nơi an nghỉ. |
Trong số 83 nhà báo thiệt mạng ở Gaza, có 76 phóng viên là người Palestine, 3 người Lebanon và 4 người Israel. Ước tính của CPJ cho thấy số người chết chiếm 1/10 trong tổng số hơn 800 phóng viên của các đài truyền hình, các tờ báo và các trang tin ở khắp nơi trên thế giới đến Gaza tác nghiệp. Người đại diện CPJ nói: “Đó là một con số kinh khủng. Ngay cả cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài đã 2 năm nhưng số nhà báo tử vong khi đưa tin đến nay cũng chỉ là 27 người trong lúc chiến tranh Israel, Hamas mới hơn 100 ngày”. Phát ngôn viên của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói thêm: “Báo chí đang bị xóa bỏ ở Gaza. Cả Israel lẫn Hamas đều đang nhắm vào họ”.
Với Hãng tin Reuters, trưởng văn phòng đại diện của hãng ở Tel Aviv, Israel cho biết nhà báo Issam Abdallah làm việc cho Reuters đã bị giết bởi đạn pháo bắn đi từ xe tăng Israel trong một cuộc tấn công mà ông mô tả là “có chủ ý nhắm vào mục tiêu”. Tuy nhiên người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nói: “Đó là một kẻ khủng bố vì hắn có máy bay không người lái trang bị camera. Hắn đang quan sát những vị trí của chúng tôi để thông báo cho đồng bọn phóng tên lửa. Hắn không phải là nhà báo”. Bên cạnh đó, IDF còn nói rằng họ “không thể đảm bảo an toàn cho các nhà báo dù ở bất cứ quốc gia nào, hoạt động tại Gaza”.
Tính đến ngày 20/1/2024, ngoài 83 nhà báo thiệt mạng thì còn có 16 nhà báo bị thương, 3 mất tích và 26 người khác bị bắt bởi cả Israel lẫn Hamas. Nhà báo chết gần đây nhất là al-Zuweidi người Palestine, chết ngày 14/1/2024. Cùng chết với al-Zuweidi còn có 1 quay phim. Theo kênh truyền hình Al-Ghad có trụ sở tại Cairo, Ai Cập là nơi al-Zuweidi làm việc, lúc ấy ông đang trên đường vào Beit Hanoun, phía Bắc Gaza để thực hiện một phim phóng sự về những gì đang diễn ra thì bị máy bay Israel bắn tên lửa. Giám đốc kênh truyền hình Al-Ghad nói: “al-Zuweidi đã cộng tác với chúng tôi 6 năm. Khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra, ông ấy ở phía Bắc Gaza và thường xuyên gửi về những gì quay được trong cuộc chiến. Nhiều lần tôi nhắc ông ấy nên đi về phía Nam, đến cửa khẩu Rafah để quay lại Ai Cập nhưng ông ấy bảo “họ không cho tôi đi”.
“Họ” ở đây là phía Hamas. Trong cuộc chiến, cả Israel lẫn Hamas đều tận dụng lợi thế truyền thông để tuyên truyền cho mục đích của mình. Không những thế, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas còn châm ngòi cho tổ chức Hezbollah ở Lebanon và nhóm phiến quân Houthi ở Yemen tham gia chống lại Israel bằng việc bắn tên lửa vào lãnh thổ nước này đồng thời đánh vào các tàu hàng dân sự của phương Tây trên Biển Đỏ khiến lò lửa chiến tranh ở Trung Đông ngày càng lan rộng,
Hai nhà báo đầu tiên chết trong cuộc chiến ngày 7/10/2023 là Shai Regev, biên tập viên chuyên mục tin tức và giải trí của tờ nhật báo Do Thái The Times of Israel. Cô bị các tay súng Hamas bắn khi họ tấn công vào lễ hội âm nhạc Supernova ở miền nam Israel mặc dù lúc ấy cô đang mặc chiếc áo khoác có in dòng chữ “Báo chí” cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Do Thái. Cùng chết với Shai Regev còn có Ayelet Arnin, biên tập viên tin tức của Tập đoàn Phát thanh Israel Kan. Amin bị bắn hai phát vào đùi khi ông cố bò vào gầm một chiếc xe bán tải. Sau đó, một tay súng Hamas đâm hàng chục nhát lưỡi lê vào người ông.
Ba ngày sau, Yaniv Zohar nhiếp ảnh gia người Israel làm việc cho tờ nhật báo Do Thái Israel Hayom, thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Hamas vào Kibbutz Nahal Oz ở miền nam Israel cùng với vợ và hai con gái. Nhà báo Mohammad Al-Salhi, người Palestine, phóng viên ảnh của Hãng Thông tấn Palestine bị Hamas bắn chết trong một trại tị nạn của người Palestine ở trung tâm Dải Gaza. Mohammad Jarghoun, phóng viên của trang mạng Smart Media, bị Hamas bắn khi đang đưa tin về cuộc xung đột ở khu vực phía Đông TP.Rafah, phía Nam Dải Gaza. Ông Audrey Azoulay, người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) nói: “Tôi biết Mohammad Jarghoun. Ông ấy là một nhà báo trung thực. Ngòi bút của ông luôn đứng về lẽ phải. Tôi không hiểu tại sao Hamas lại giết Mohammad Jarghoun vì ông ấy cũng là người Palestine kia mà!”. Thê thảm nhất là nhiếp ảnh gia Ibrahim Mohammad Lafi, làm việc cho tờ Ain Media. Khi bị 2 chiến binh Hamas chĩa súng vào người lúc ông dừng xe ở giao lộ Erez, Lafi đã kêu lớn: “Tôi là thành viên của Nhóm tự do báo chí Palestine. Tôi ủng hộ cho một quốc gia Palestine độc lập” nhưng ông vẫn bị giết. Ông Sherif Mansour, điều phối viên chương trình Trung Đông và Bắc Phi của CPJ nói: “Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng các nhà báo cũng là thường dân, họ đang làm công việc phản ảnh những gì đã xảy ra trong cuộc chiến. Họ không phải là mục tiêu của các bên tham chiến nhưng họ đã phải trả giá bằng tính mạng của mình. Các đồng nghiệp, gia đình của họ đã mất họ…”.
Mặc dù cả IDF lẫn Hams đều nói rằng họ “không bao giờ tấn công các nhà báo, những cái chết xảy ra nếu có là chuyện không may giữa lúc tên bay, đạn lạc” nhưng nhiều bằng chứng cho thấy ngay trước khi bị giết, quân đội Israel và các tay súng Hamas đều biết họ là ai qua những trang bị trên người. Ông Sherif Mansour nói tiếp: “Tấn công các nhà báo không chỉ là tấn công vào thường dân mà còn là tấn công vào sự thật”. Ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lập trường của mình qua tuyên bố: “Nước Mỹ ủng hộ việc bảo vệ các nhà báo trong xung đột vũ trang. Các bên tham chiến phải chịu trách nhiệm về những cái chết và hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí. Chúng tôi kêu gọi Israel và Palestine cho phép các nhà báo được tiếp cận thông tin một cách phù hợp và an toàn…”.
Hiện tại, vẫn còn 19 nhà báo đang bị IDF, Hamas bắt giam. Ngoại trừ những người hiện ở trong nhà tù của IDF, gia đình của họ có thể biết được tin tức về họ dù rất rời rạc nhưng những người là con tin của Hamas, chẳng ai biết số phận họ ra sao, còn sống hay đã chết. Trong những đợt trao trả tù nhân giữa Israel và Hamas, không một nhà báo nào được Hamas trả tự do. Với 3 nhà báo được ghi nhận là mất tích, đại diện CPJ cho biết những cuộc giao tranh đã ngăn cản mọi sự tìm kiếm và hy vọng về sự “còn sống” của họ mong manh như bọt bong bóng xà phòng.
Ngày 20/1, thi thể của nhà báo Idan, người Israel, phóng viên ảnh của tờ Ynet được tím thấy sau hơn 100 ngày bị Hamas bắt lúc họ tấn công vào lễ hội âm nhạc Supernova ở miền Nam Israel ngày 7/10. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), có vẻ như Idan mới chỉ chết vài giờ trước đó bởi viên đạn bắn vào đầu. Một sĩ quan IDF cho biết khi họ tấn công vào Kibbutz Kfar Aza ở phía Bắc Gaza, nơi một nhóm Hamas đặt căn cứ trong những đường hầm đào sâu dưới lòng đất, Hamas đã bắn Idan trước khi tháo chạy: “Vết thương còn ám khói, chứng tỏ kẻ giết Idan đã chĩa súng vào sát đầu ông rồi bóp cò. Đây là hành vi cố ý giết người chứ không phải là vô tình hay lạc đạn…”.
VŨ CAO (Theo CPJ)