Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng tiêu thụ than ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn ở mức cao và nhu cầu than toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, trước khi giảm vào thời điểm cuối năm 2026.
Một nhà máy nhiệt điện ở Thượng Hải, Trung Quốc. |
Báo cáo mới nhất của IEA cho thấy hoạt động tiêu thụ than ở các nước phát triển, như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây. Nhưng ước tính tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 1,4% trong năm 2023 lên khoảng 8,54 tỷ tấn do nhu cầu sử dụng điện (chạy bằng than đá) ngày càng tăng tại các quốc gia đang phát triển, trong bối cảnh sản lượng thủy điện suy yếu do hiện tượng thời tiết El Nino.
Mặc dù vậy, IEA cũng hé lộ nguồn năng lượng tái tạo toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng. Khi năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió nhiều hơn, nhu cầu về than sẽ giảm, bắt đầu từ năm 2024 và dần ổn định vào cuối năm 2026.
Theo báo cáo, tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 2,3% vào năm 2026 so với mức của năm nay, nhưng vẫn vượt qua con số 8 tỷ tấn. IEA nhấn mạnh việc giảm lượng khí thải ở mức phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi thế giới phải tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm sử dụng than.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ hơn một nửa lượng than thế giới, đồng thời là nhà sản xuất một nửa lượng than toàn cầu. Nước này cũng là nhà nhập khẩu than lớn nhất, chiếm gần 1/3 thương mại than toàn cầu.
Báo cáo của IEA được đưa ra hai ngày sau khi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu kết thúc vào ngày 13/12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất - UAE). Tuyên bố của COP28 lần đầu tiên đã đề cập đến nhiên liệu hóa thạch, trong đó gần 200 nước tham dự COP28 đã nhất trí loại bỏ dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch, để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
QUANG HUY