DẢI GAZA

Chạy trốn từ cái chết này đến cái chết khác!

Thứ Sáu, 29/12/2023, 15:28 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ khi phong trào Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 rồi ngay sau đó, Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trả đũa bằng những cuộc ném bom vào Dải Gaza, nơi phong trào Hamas đặt căn cứ cùng với việc cắt điện, cắt nước, phong tỏa mọi nguồn tiếp tế lương thực, xăng dầu thì 1,8 triệu người Palestin, chiếm 80% dân số Gaza rơi vào nạn đói.

Người Palestin nhận thức ăn cứu trợ trong khi nguồn cung rất ít ỏi.
Người Palestin nhận thức ăn cứu trợ trong khi nguồn cung rất ít ỏi.

1. Sau hơn 7 tuần bị Israel ném bom liên tục, 1,8 triệu người - chiếm 80% dân số Palestin đã rơi vào cảnh đói khát trầm trọng và lệnh ngừng bắn tạm thời chỉ có thể giúp họ tồn tại thêm một thời gian. Hind, cư dân Gaza cho biết trước ngày ngừng bắn, cô cùng hàng ngàn người khác sống trong một chung cư đã phải “ăn 1 bữa, nhịn 3 bữa”. Hind nói: “Để mua được 1 túi bột mì 5kg, chúng tôi phải trả 400 nis (đơn vị tiền tệ Palestin, tương đương 107 USD) nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được”.

Vào tuần lễ thứ 3 của cuộc giao tranh, tất cả mọi siêu thị ở Dải Gaza đều trống rỗng. Hind nói tiếp: “Ngoài bột mì, hai thứ được người ta mua nhiều nhất là men làm bánh mì và muối nhưng do không có nguồn cung, siêu thị phải đóng cửa”. Tại chợ Deir El Balah - là một trong những ngôi chợ sầm uất nhất Gaza, trước đây lúc nào cũng đầy ắp cà chua, dưa chuột, hành tây, cà tím, cam, nho, táo, trái ô liu cùng các loại rau thì bây giờ chỉ là những quầy, sạp vắng lặng.

Thứ duy nhất vẫn còn bày bán là dầu gội đầu và xà bông! Cái đói đã dẫn đến việc nhiều gia đình tìm hái zaatar (cỏ xạ hương) rồi nghiền nát nó với nước thành một thứ bột nhão. Sau đó họ nướng lên, chia nhau vài miếng để đánh lừa dạ dày.

Không chỉ thức ăn, ngay cả nước uống cũng khan hiếm. Chỉ riêng trong ngày 4 và 5/11, bảy cơ sở cung cấp cấp nước sạch ở Dải Gaza đã bị ném bom, bao gồm các hồ chứa nước tại TP.Gaza, trại tị nạn Jabalia và Rafah ở phía Bắc nên nước phải đưa từ phía Nam xuống bằng xe bồn. Để tránh bị máy bay Israel bắn nhầm, các tài xế viết hai chữ “nước uống” thật lớn trên nóc bồn bằng chữ Do Thái lẫn chữ Arab.

Marwan, 30 tuổi, cư dân Dải Gaza cho biết mỗi ngày ông phải đi bộ 4 km đến điểm phát nước và mỗi lần như vậy, cũng chỉ xin được 1 bình 5 lít, dùng cho cả gia đình gồm người vợ đang mang thai và đứa con nhỏ  3 tuổi. Marvan nói: “Uống còn chưa đủ, lấy đâu ra tắm giặt”.

Điện cũng thế, tất cả các trạm biến thế, các đường dây truyền tải đều bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, mạng Internet bị cắt nên Gaza hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Mọi tin tức về cuộc xung đột chỉ được thế giới biết đến qua những thước phim do phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế liều mạng vào đến tận nơi hoặc những bản tin do Israel hoặc Hamas công bố.

Mohammad Ali, cư dân Gaza nói: “Quân đội Israel kêu gọi chúng tôi chạy xuống phía Nam Dải Gaza để tránh bị không kích trong lúc phong trào Hamas lại ra lệnh cho mọi người phải ở lại. Thực tế thì Gaza không có nơi nào an toàn. Chúng tôi đang chạy trốn từ cái chết này đến cái chết khác”. Người phát ngôn của lực lượng Hamas cho biết “Chính phủ Israel sử dụng nạn đói của thường dân ở Dải Gaza như một biện pháp nhằm tiêu diệt chúng tôi, đây là tội ác chiến tranh”. Còn các quan chức Isael tuyên bố: “Hamas đang dùng người dân Gaza làm lá chắn sống”. Mọi sự viện trợ của quốc tế đều phải qua tay họ và một phần trong số những vật phẩm ấy được dùng để nuôi sống những tay súng của họ”.

2. Theo Cao ủy nhân quyền LHQ về người tị nạn (UNHCR), tính đến đầu tháng 12/2023 có 9 trong số 10 hộ gia đình ở phía Bắc Dải Gaza 3 ngày mới được ăn 1 ngày nhưng chỉ vừa đủ để khỏi chết đói còn ở phía Nam, con số này là 6/10 hộ gia đình.

Người phát ngôn của Chương trình lương thực thế giới LHQ (WFP) trong cuộc họp báo tổ chức ngày 6/12 đã nói: “Luật nhân đạo quốc tế hay Luật chiến tranh theo Công ước Genève nghiêm cấm việc bỏ đói dân thường như một biện pháp nhằm giành lấy chiến thắng. Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế cũng quy định rằng, việc cố tình bỏ đói dân thường bằng cách tước đoạt những vật dụng không thể thiếu cho sự sống còn của họ, bao gồm cả việc cố tình cản trở nguồn cung cấp cứu trợ là tội ác chiến tranh. Mục đích phạm tội không yêu cầu kẻ tấn công phải thừa nhận nhưng cũng có thể được suy ra từ tổng thể tình huống của các chiến dịch quân sự”.

Ngày 17/12, một lần nữa WFP cảnh báo về “khả năng ngay lập tức” của nạn đói, trong đó nhấn mạnh rằng nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống trên thực tế không còn tồn tại, hệ thống lương thực của Gaza đang trên bờ vực sụp đổ, người dân Gaza đang phải vật lộn với “nhu cầu thảm khốc về nước”. Các cơ sở xử lý nước thải và khử muối đã ngừng hoạt động vào giữa tháng 10 do thiếu điện, xăng dầu. Gaza hiện không còn nguồn nước tự nhiên nào có thể uống được!

Về phía Israel, vấn đề con tin vẫn là “yêu cầu nóng” trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống cho dải Gaza. Sau khi áp dụng biện pháp phong tỏa toàn diện Dải Gaza từ ngày 9/10, Chính quyền Israel đã nối lại đường ống cấp nước đến một số khu vực phía nam Gaza và từ ngày 21/10, họ đã cho phép viện trợ nhân đạo “có giới hạn” vào Gaza qua cửa khẩu Rafah (Ai Cập). Thủ tướng Israel là ông Benjamin Netanyahu nói: “Chúng tôi không cho phép hỗ trợ nhân đạo dưới dạng thực phẩm và thuốc men thông qua các cửa khẩu của chúng tôi nếu các con tin bị Hamas bắt không được phóng thích”.

Ngày 15/11, Chính phủ Israel cho phép các xe chở hàng viện trợ nhân đạo được vào Dải Gaza sau khi Hamas phóng thích một số con tin. Khoảng 200 xe tải, trong đó có 4 xe chở 130.000 lít nhiên liệu và 4 xe chở gas vào Gaza mỗi ngày sau lệnh ngừng bắn.

Để so sánh, trước khi chiến tranh Israel Hamas nổ ra, trung bình mỗi ngày có 500 xe tải chở thực phẩm, hàng hóa và 600.000 lít nhiên liệu vào Gaza. Phần lớn số nhiên liệu này được dùng để vận hành các nhà máy nước và khử muối, phần còn lại dùng cho máy móc nông nghiệp cùng các phương tiện giao thông.

Ngày 1/12, bảy ngày sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, Không quân Israel tiếp tục những đợt không kích nhưng lần này dữ dội hơn. Bên cạnh đó, họ cũng tuyên bố “sẽ bơm nước biển vào các đường hầm, nơi các tay súng Hamas đang ẩn náu” và từ đó đến nay, chiến sự vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt qua việc Israel đưa quân vào Dải Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố “sẽ tiêu diệt Hamas đến người cuối cùng”.

Theo các chuyên gia WFP, nguy cơ chết đói ở Gaza là điều “hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần” bởi các hành động quân sự của Israel ở Gaza đã tác động tàn khốc đến ngành nông nghiệp Palestin.

Bò, dê, cừu nuôi ở miền Bắc đang phải đối mặt với nạn đói do thiếu thức ăn và nước uống. Đất đai bị bỏ hoang do không có nhiên liệu để bơm nước tưới. Máy cày, máy kéo, máy gieo hạt, máy gặt đập xuống cấp vì phơi nắng phơi sương ngoài trời.

Hình ảnh vệ tinh được Tổ chức theo dõi nhân quyền LHQ sau khi xem xét đã chỉ ra rằng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ của quân đội Israel, đất nông nghiệp, bao gồm những cánh đồng lúa mì, vườn cây ăn quả, nhà kính trồng rau ở phía Bắc Gaza đã bị quân đội Israel san bằng.

Cục Thống kê Trung ương Palestine cho biết, Gaza đang bị thiệt hại ít nhất 1,6 triệu USD mỗi ngày trong sản xuất nông nghiệp. Hơn 1,8 triệu người ở Gaza giờ đây tồn tại là nhờ vào vật phẩm cứu trợ nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn. Bà Margaret Harris, điều phối viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói: “Nếu chiến tranh không dừng lại, chúng ta sẽ thấy nhiều người chết vì đói, vì bệnh hơn là vì bom đạn bởi hệ thống y tế Palestin sẽ không thể phục hồi…”.

VŨ CAO
(Theo Inside Politics)

;
.