Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài sản tư và cơ sở hạ tầng EDHEC, các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang đối mặt với nguy cơ mất gần 1/3 số vốn đầu tư, tức khoảng 600 tỷ USD, nếu các nước không có kế hoạch chuyển đổi một cách có trật tự sang một nền kinh tế xanh hơn trước năm 2050.
Theo các nhà nghiên cứu, kịch bản xấu nhất này sẽ xảy ra nếu chính phủ các nước chậm, hoặc bất ngờ, ban hành thuế đối với khí thải carbon. Những hành động đột ngột này sẽ gây ra một cú sốc về giá làm thổi bùng lạm phát, kéo theo lãi suất tăng, từ đó ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của các khoản đầu tư. Theo nghiên cứu trên, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể mất đến một nửa giá trị.
Ngược lại, trong một quá trình chuyển đổi có trật tự, khi những thay đổi hệ thống xảy ra dần dần để hạn chế lượng khí thải, chi phí của quá trình này sẽ được hấp thụ như một phần của hoạt động kinh doanh bình thường.
Nghiên cứu nhận định nếu không có một quá trình chuyển đổi có trật tự, đối tượng sẽ chịu cú sốc “chuyển đổi” lớn nhất là các nhà đầu tư vào các công ty nước và năng lượng, với nguy cơ lỗ 38%. Mức lỗ được dự đoán cho các khoản đầu tư vào tiện ích mạng là 33%, hay 104 tỷ USD. Con số này với cơ sở hạ tầng dữ liệu là 32%, hay 61 tỷ USD.
Nghiên cứu cũng xem xét những nguy cơ về vật chất từ những tác động của khí hậu, hay nói cách khác là những thiệt hại xảy ra với cơ sở hạ tầng do cháy, lũ lụt hay bão.
Nếu chính phủ các nước không hành động để giảm khí thải và kiểm soát biến đổi khí hậu, nghiên cứu chỉ ra rằng đến năm 2050, giá trị tài sản ròng của các khoản đầu tư sẽ giảm tổng cộng khoảng 140 tỷ USD, và mọi lĩnh vực đều sẽ bị ảnh hưởng, dù không đồng đều.
Cũng theo nghiên cứu nói trên, giới đầu tư có nguy cơ mất 25% giá trị tài sản ròng với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Bắc Mỹ, và 16% cho các khoản đầu tư ở châu Âu và châu Á.
Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở mọi khu vực và quốc gia đang đối mặt với khả năng lỗ 1-5% trong năm nay, và mức lỗ này vẫn còn kể cả trong kịch bản chuyển đổi có trật tự.
KHÁNH LY