Để giải cứu 41 nạn nhân, đội cứu hộ khoan thẳng từ trên xuống. |
Ngày 25, một sự cố khác lại xảy ra: Một máy khoan bị hỏng và bị kẹt trong đường hầm. Quyết định đưa ra lúc ấy là sử dụng phương pháp thủ công. Những thành viên của đội cứu hộ với búa và đục, mò mẫm khoét từng mẩu đá rồi chuyền ra ngoài. Nó chậm chạp đến nỗi Nayan, chỉ huy đội thủ công phải thốt ra rằng “tất cả 41 người có lẽ sẽ chết trước khi chúng tôi vào được đến nơi”.
Ngày 27/11, chỉ huy lực lượng cứu hộ quyết định dừng việc đào đục bằng tay để tiến hành khoan theo chiều thẳng đứng. Đến cuối ngày, mũi khoan đã đi được một quãng dài 32m, đường kính 65cm, nghĩa là vừa lọt một thân người, gọi là “lỗ chuột”. Theo thăm dò, chỉ còn khoảng 12m nữa là đến được nơi ẩn náu của 41 kỹ sư, công nhân gặp nạn.
Về phía các nạn nhân, gần như chẳng còn ai hy vọng sẽ được cứu sống. Những mảnh bìa các-tông được chia ra để họ viết những dòng chữ cuối cùng về cho gia đình. Bên cạnh đó, họ cũng nói những lời vĩnh biệt vào phần mềm ghi âm trong điện thoại. Kỹ sư Chamra Oraon cho biết, có người nói xong thì vài tiếng sau lại bật điện thoại lên nói tiếp vì họ hiểu rằng đây là lần cuối cùng họ còn được nói chuyện với cha mẹ, vợ con…
Ngày 28/11, khi chỉ còn khoảng 3m cuối cùng là vào đến đường hầm, chỉ huy đội cứu hộ ra lệnh ngừng khoan vì sợ rằng nếu trần hầm đổ sụp thêm một lần nữa vì cấu trúc địa chất yếu thì cơ hội cứu sống 41 kỹ sư, công nhân sẽ chấm dứt. Vinayan, người đầu tiên chui vào lỗ chuột nói: “Tôi nghe những tiếng reo hò văng vẳng từ phía dưới lớp đất đá. Hẳn là anh em đã biết chúng tôi gần đến nơi”.
Công nhân Kumar kể lại: “Ngày 27, chúng tôi nhận thấy có những tiếng ì ầm trên đỉnh hầm, càng lúc càng rõ dần. Anh em tin rằng cuối cùng bộ phận cứu hộ đã quyết định khoan thẳng từ trên xuống. Tới lúc nghe thấy tiếng rì rì của máy khoan cầm tay và tiếng đục chan chát vào đá, kỹ sư Chamra Oraon nói rằng họ đang cố gắng để tránh sụp lở thì chẳng ai bảo ai, tất cả đều chảy nước mắt”.
18h ngày 29, nghĩa là 17 ngày kể từ khi một đoạn đường hầm Silkyara - Barkot đổ sụp, mũi khoan tay và mũi đục cuối cùng đã phá vỡ sự ngăn cách giữa những người cứu hộ và 41 nạn nhân. Tiếp theo, từng người một được đưa lên và đến 20h50, người cuối cùng ra khỏi “lỗ chuột”. 41 người được xe cứu thương chờ sẵn đưa thẳng họ đến bệnh viện địa phương trong tiếng vỗ tay vui mừng của những thành viên đội cứu hộ.
Sau đó, 41 công nhân được trực thăng chuyển đến Bệnh viện trung ương Rishikesh. Sau quá trình kiểm tra, 39 người được cho về nhà ngày 1/12, chỉ 2 người phải ở lại để theo dõi thêm.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Droupadi Murmu và Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ sự vui mừng vì cuộc giải cứu thành công, đồng thời chúc các công nhân nhanh chóng lấy lại sức khỏe cũng như ổn định tâm lý. Cả ông Droupadi Murmu lẫn ông Narendra Modi cũng khen ngợi những nỗ lực của các cơ quan, cá nhân tham gia công tác cứu hộ.
Đánh đu với số mệnh
Đánh giá về sự cố đường hầm Silkyara-Barkot, kỹ sư Chamra Oraon phát biểu khi vẫn còn ở trong bệnh viện: “Khả năng đường hầm có thể bị sập luôn hiện hữu trong quá trình khoan, đào và đó là lý do tại sao phải có lối thoát hiểm. Những việc diễn ra dẫn đến sự mắc kẹt của 41 công nhân cho chúng ta thấy công tác chuẩn bị không tính đến yếu tố an toàn. Các công ty nhận hợp đồng xây dựng đường hầm này kiếm được số tiền khổng lồ nhưng họ lại không sẵn sàng chi phí vì tính mạng công nhân”.
Với 2 công nhân Sushil và Vijay cũng như nhiều người khác, họ cho biết họ bị “chấn thương tâm lý sau 17 ngày trong đường hầm và không muốn quay lại làm việc nhưng lại không có sự lựa chọn nào khác”.
Theo Vijay: “Tôi ước gì tôi có thể tìm được một việc khác an toàn hơn. Cứ nghĩ đến đường hầm Silkyara-Barkot là tôi lại ớn lạnh như lên cơn sốt rét nhưng công việc duy nhất mà tôi thành thạo là điều khiển máy khoan. Nếu từ bỏ nó, tôi biết làm gì đây để nuôi sống gia đình?”.
Những người đầu tiên được cứu thoát. |
Công nhân Hassan, 45 tuổi nói: “Mọi người xôn xao bàn luận về chúng tôi và chúc mừng cuộc giải cứu thành công nhưng họ không nhận ra rằng việc chúng tôi làm là một trong những công việc tồi tệ nhất. Chúng tôi trở thành anh hùng nhưng chỉ một thời gian, khi mọi việc đã lắng xuống, sẽ chẳng có anh hùng nào thay đổi được số phận…”.
Sau sự cố đường hầm Silkyara - Barkot, Cơ quan đường cao tốc quốc gia Ấn Độ đã ban hành lệnh kiểm tra tính an toàn của 29 đường hầm hiện đang xây dựng trong cả nước với sự phối hợp của Tổng công ty đường sắt Metro Delhi. Theo tờ India Times, vụ sập đường hầm Silkyara - Barkot không phải là trường hợp cá biệt vì trên thực tế, với tổng chiều dài 4,5km, Silkyara - Barkot đã từng gặp hàng loạt sự cố kể từ lúc bắt đầu khởi công 5 năm qua.
Ông Anshu Manish Khalkho, giám đốc hành chính và tài chính của Tổng công ty đường sắt Metro Delhi cho biết: “Một hoặc hai tai nạn không làm dừng lại bất kỳ quy trình nào. Việc xây dựng đường hầm sẽ vẫn tiếp tục diễn ra theo tiến độ. Chúng tôi chưa thế nói được là ai đã sai nhưng trước tiên, chúng tôi sẽ giải phóng khối đất đá bị sập, có thể mất từ 4 đến 6 tháng”.
Vẫn theo ông Khalkho, việc không có lối thoát hiểm trong đường hầm khi các công nhân bị mắc kẹt là do tính toán, rằng sau khi đường hầm chính hoàn thành, hầm thoát hiểm sẽ được tiến hành và điều đó là bình thường vì nó phụ thuộc vào hình dạng đường hầm và cấu trúc địa chất”…
Kỹ sư Chamra Oraon nói: “Như vậy là chúng tôi vẫn tiếp tục “đánh đu” với số mệnh. Phát biểu của ông Khalkho chẳng khác gì bạn đốt một đống rơm lớn ngay bên cạnh nhà mà nước chữa cháy sẽ được đưa đến sau…”.
VŨ CAO (Theo India Times)