17 ngày trong đường hầm Silkyara-Barkot - Kỳ 1: Cái chết đang đến gần

Thứ Sáu, 15/12/2023, 14:39 [GMT+7]
In bài này
.

Rạng sáng ngày 12/11/2023, đường hầm Silkyara-Barkot dự kiến nối quốc lộ 134, quận Uttarkashi với 4 điểm hành hương nổi tiếng ở bang Uttarakhand, Ấn Độ, đang trong quá trình thi công bỗng dưng đổ sập. Hậu quả là 41 kỹ sư, công nhân bị kẹt trong hầm và họ đã sống 17 ngày cận kề với cái chết.

Kỹ sư công nhân trong đường hầm bất lực trước đống đất đá che lấp cửa ra vào.
Kỹ sư công nhân trong đường hầm bất lực trước đống đất đá che lấp cửa ra vào.

5h30 sáng ngày 12/11/2023, khi một số công nhân trong đường hầm Silkyara-Barkot thức sớm để chuẩn bị bữa ăn cho một ngày làm việc thì bất ngờ họ cảm thấy mái vòm trên đầu rung chuyển. Công nhân Kumar 33 tuổi kể lại: “Đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng răng rắc như có cái gì đó bị nứt, rồi sau đó là một tiếng nổ khủng khiếp tựa như tiếng bom. Cách chỗ chúng tôi khoảng 200m, một mảng lớn đất đá từ trần hầm đổ xuống, bít hẳn lối ra vào…”.

Tiếng nổ khủng khiếp và cảnh tượng trước mắt đã khiến 41 công nhân có mặt trong hầm vô cùng hoảng hốt, nhất là khi đám mây bụi tan dần, một số người tiến hành thăm dò, đánh giá sự cố và họ hiểu là không còn đường nào để thoát ra nhưng ai nấy đều hy vọng việc giải cứu sẽ được những người ở bên ngoài thực hiện nhanh chóng.

Thân nhân của những người bị kẹt chờ đợi trong hy vọng.
Thân nhân của những người bị kẹt chờ đợi trong hy vọng.

Kỹ sư Chamra Oraon, 32 tuổi nói: “Tôi không biết khối lượng đất đá che lấp miệng hầm là bao nhiêu nhưng tôi tin là với những máy móc hiện đại, việc khai thông sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với vụ giải cứu đội bóng đá thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang ngập nước ở Thái Lan năm 2018”.

Tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản như vậy. 41 thợ mỏ sẽ không ngờ rằng họ sẽ phải sống trong lòng đất 17 ngày. Các nhà địa chất được cử đến để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc cho biết vị trí đường hầm nằm gần một đứt gãy lớn của dãy Himalaya, được đào xuyên qua một khối vật chất cực kỳ yếu, cấu tạo bởi đá meta- siltstone và phyllites.

Bản vẽ thiết kế cho thấy nó không có lối thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp nhưng nó vẫn được thi công. Theo công bố của Cơ quan đường cao tốc quốc gia Ấn Độ, hầm Silkyara-Barkot là một phần của cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD nhằm kết nối 4 điểm hành hương của tín đồ đạo Hindu. Khi hoàn thành, đường hầm sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại, là động lực chính trong việc thay đổi nền kinh tế của cả khu vực.

Mất 2 ngày để khảo sát, đánh giá, sáng 14/12 công tác cứu hộ bắt đầu tiến hành với một chiến dịch được Chính quyền bang Uttarakhand gọi là “Zindagi - Sự sống”. Việc đầu tiên của những người cứu hộ là luồn một ống thép nhỏ, đường kính 15mm vào hầm và phải mất gần 1 ngày rưỡi, cái ống đó mới đi qua được 200m đất đá.

Công nhân Kumar kể: “Không thể dấu được nỗi vui mừng khi chúng tôi thấy cái ống xuất hiện. Thông qua đường ống, đội cứu hộ bơm oxy vào hầm rồi tiếp theo là những gói nhỏ trái cây sấy khô cùng những túi nước. Đây cũng là lần đầu tiên 41 người chúng tôi ngồi cạnh nhau, kể cho nhau nghe về gia đình, về mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống. Để giết thời gian, chúng tôi làm những bộ bài cắt ra từ mấy tấm bìa các-tông rồi chơi từ giờ này sang giờ khác. Những thông điệp đầy lạc quan từ bên ngoài gởi vào khiến chúng tôi ai nấy đều tin rằng việc giải cứu đang nằm trong tầm tay”.

Ngày 16/11, hai máy khoan được triển khai nhưng chỉ có một chiếc hoạt động vì chiếc còn lại do cấu trúc mũi khoan đã khiến nó chạy rất chậm. Tuy nhiên đến ngày 17, việc khoan xuyên qua đống đất đá phải tạm dừng vì xuất hiện những tiếng vỡ nứt trên trần hầm.

Thủ hiến bang Uttarakhand là ông Pushkar Singh Dhami cho biết đội cứu hộ đã khoan một hầm khác, đường kính 20cm chạy song song với đường hầm đã bị vùi lấp rồi luồn vào 3 ống. Một ống cung cấp oxy, một ống đưa thức ăn nóng và ống cuối cùng lắp camera nhằm theo dõi tình hình của 41 người trong hầm và một số bộ sạc điện thoại.

Công nhân Vijay, 19 tuổi nói: “Tất cả chúng tôi đều vui mừng vì mặc dù không có sóng nhưng chúng tôi vẫn có thể chơi game, nghe nhạc tích hợp trong điện thoại từ trước. Nhiều người mở album ảnh để nhìn lại vợ con, bè bạn, gia đình…”. Công nhân Himadesh, 30 tuổi, nói tiếp: “Khi thấy có những giọt nước nhỏ từ nóc hầm xuống, tôi căng mấy tấm bạt dùng để chống thấm, hứng lấy nó. Nước này dùng cho nhà vệ sinh dã chiến mà chúng tôi dựng tạm lên ở gần cuối hầm”.

Ngày 19/11, trước những khó khăn của việc khoan xuyên qua đống đất đá che lấp cửa vào hầm, các chuyên gia trong đội cứu hộ đề xuất làm một con đường dài hơn 1km dẫn lên đỉnh đồi, nơi có đường hầm nằm ở phía dưới rồi khoan thẳng xuống. Kỹ sư Arnold Dix, chuyên gia người Australia về đường hầm xuyên núi, trực tiếp tham gia cuộc giải cứu cho biết đây là phương án khả thi nhưng phải rất thận trọng vì nếu trong quá trình khoan mà đất sụp thì chẳng khác gì “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài”.

Trong lúc này, tinh thần của những người bị nạn bắt đầu xuống dốc. Công nhân Sushil kể lại: “Đó là những ngày khủng khiếp. Cảm giác như cái chết đang đến gần. Tôi luôn có suy nghĩ liệu có thể thoát ra khỏi đây không và cứ mỗi lần nhìn ảnh mấy đứa con, tôi lại khóc”.

Chandra, cũng là công nhân nói: “Mặc dù có đủ đồ ăn, nước uống nhưng không hiểu sao tất cả đều cảm thấy yếu đi. Cơ thể chúng tôi trở nên rã rời. Không ít người cả ngày chỉ nằm, mắt mở trừng trừng nhìn lên nóc hầm”.

Vẫn theo Chandra, hầu hết 41 người mắc kẹt trong đường hầm đều ở xa. Họ ký hợp đồng với Tổng công ty đường sắt Metro Delhi, bất chấp những rủi ro trong việc xây dựng công trình xuyên núi bởi lẽ mức lương của họ bình quân là 250 USD/tháng, nhiều hơn gấp 5 lần so với những việc mà họ làm ở quê nhà.

Cũng cần nói thêm rằng việc đào đường hầm Silkyara- Barkot đã vấp phải sự phản đối và thách thức pháp lý từ các nhà bảo vệ môi trường ngay từ khi nó mới chỉ là dự án. Những người phản đối cho rằng Cơ quan Đường cao tốc quốc gia Ấn Độ với mong muốn đẩy nhanh tiến độ nên đã bỏ qua những cảnh báo về lở đất, sụt lún và các rủi ro khác gây ra bởi sự thay đổi cấu trúc địa chất của dãy Himalaya trong quá trình thi công.

Tiến sĩ Singh, một trong những người phản đối việc đào hầm Silkyara-Barkot nói: “Tại sao chỉ đến khi thảm kịch xảy ra, mọi người mới tỉnh ngộ? Tổng công ty đường sắt Metro Delhi phải chịu trách nhiệm về việc này”.

(Còn nữa)
VŨ CAO (Theo India Times)

;
.