Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết, Chính phủ nước này sẽ tìm kiếm khoản vay trị giá 500 tỷ baht (14 tỷ USD) cho chương trình "Ví kỹ thuật số 10 ngàn baht".
Công nhân thao tác trên máy trồng cây mùa vụ tại nông trang Kobuta, tỉnh Chonburi (Thái Lan). |
Thủ tướng Srettha nêu rõ, chương trình này sẽ được áp dụng cho công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên với mức thu nhập hàng tháng thấp hơn 70 ngàn baht (gần 2.000 USD) và có tổng lượng tiền gửi ngân hàng dưới 500 ngàn baht (14 ngàn USD). Dựa trên các tiêu chí này, ước tính khoảng 50 triệu người sẽ đủ điều kiện tham gia - giảm so với con số dự kiến ban đầu là 56 triệu người.
Theo ông Srettha, kinh tế Thái Lan đang cần gói kích thích lớn vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng bình quân hàng năm là 1,9% trong thập kỷ qua, với nợ hộ gia đình/GDP tăng từ 76% vào năm 2012 lên 91,6% trong năm nay.
Lĩnh vực sản xuất cũng đang suy giảm, dẫn đến nhiều lao động bị sa thải. Thủ tướng Srettha nhận định, điều này khiến người lao động giảm chi tiêu, các nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Việc tái diễn nhiều lần tình trạng này sẽ gây ra suy thoái kinh tế. Do đó, cần phải có biện pháp thúc đẩy kinh tế để ngăn tình hình xấu đi.
Theo ông Srettha, Chính phủ Thái Lan sẽ "bơm" 600 tỷ baht (16,5 tỷ USD) vào nền kinh tế. Trong đó, 500 tỷ baht thông qua chương trình Ví kỹ thuật số và quỹ 100 tỷ baht để nâng cao tiềm năng kinh tế của đất nước. Mục tiêu của Chương trình Ví kỹ thuật số là bơm dòng tiền vào hệ thống kinh tế nhằm tăng cường chi tiêu trong vòng sáu tháng kể từ khi ra mắt (dự kiến vào tháng 5/2024).
Ông Srettha nhấn mạnh, chương trình này sẽ thúc đẩy đầu tư, khuyến khích thương mại và mua bán hàng hóa, gia tăng đơn đặt hàng hàng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các nhà máy lớn.
Ví kỹ thuật số chỉ có thể được sử dụng để mua thực phẩm và hàng tiêu dùng. Loại tiền này không thể được sử dụng để mua hàng trực tuyến, thuốc lá hoặc rượu; các vật có giá trị như kim cương, đá quý hoặc vàng. Bên cạnh đó, chủ sở hữu không được dùng ví kỹ thuật số để trả nợ hoặc thanh toán hóa đơn điện, nước, nhiên liệu, khí đốt tự nhiên hoặc học phí.
Trong khi đó, quỹ 100 tỷ baht sẽ được sử dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đầu tư vào công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực. Về nguồn tài trợ cho chương trình, ông Srettha cho biết, cách tiếp cận thực tế nhất là chính phủ đề xuất dự luật tìm kiếm khoản vay đặc biệt trị giá 500 tỷ baht.
Dự luật sẽ được gửi tới Hội đồng Nhà nước trong năm nay, sau đó sẽ được đệ trình Quốc hội Thái Lan vào đầu năm tới. Trong khi đó, 100 tỷ baht còn lại dành cho các dự án kinh tế sẽ đến từ ngân sách nhà nước.
ĐỖ SINH