Sống sót sau 2 năm một mình ở Bắc cực

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:15 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 18/8/1921, nhà thám hiểm Vilhjalmur Stefansson người Canada dẫn đầu một nhóm 15 thành viên, khởi hành từ Canada đến Bắc cực trên con tàu Anchorage. Mục đích của chuyến đi là cắm cờ lên đảo Wrangel để khẳng định chủ quyền của Canada đối với hòn đảo. Thế nhưng không lâu sau đó, chuyến thám hiểm biến thành bi kịch.

Ada (giữa) và Maurer, Vilhjalmur, Knight, Galle (từ trái qua) lúc mới lên đảo Wrangel.
Ada (giữa) và Maurer, Vilhjalmur, Knight, Galle (từ trái qua) lúc mới lên đảo Wrangel.

Trong số 15 thành viên có mặt trên tàu Anchorage, ngoài 10 thủy thủ vừa người Anh lẫn người Canada thì thuyền trưởng Vilhjalmur Stefansson 31 tuổi, thuyền phó Lorne Knight 28 tuổi cũng là người Canada.

Còn phụ trách boong là Allan Crawford 20 tuổi, phụ trách động cơ hơi nước là Fred Maurer 28 tuổi, bếp trưởng Milton Galle 19 tuổi, cả 3 đều là người Mỹ.

Ngày 18/8/1921, tàu Anchorage từ cảng Whitehorse, Canada đến cảng Nome, Alaska. Tại đây, họ tuyển mộ Ada Blackjack, 25 tuổi, người dân tộc thiểu số Inupiat ở khu định cư Spruce Creek, Alaska và là phụ nữ duy nhất trong chuyến đi này. Theo thỏa thuận, Ada sẽ được thuyền trưởng Vilhjalmur trả lương 50USD mỗi tuần với nhiệm vụ dẫn đường đế tàu Anchorage đến đảo Wrangel.

Ada Blackjack sinh năm 1898 tại khu định cư bản địa ở Spruce Creek, Alaska. Ngay từ nhỏ, mẹ cô đã gửi cô đến Nome, nơi cô được các nhà truyền giáo nuôi dưỡng, dạy học bằng tiếng Anh. Khi nhận lời theo tàu Anchorage, Ada đang là thợ may quần áo bằng lông thú và rất giỏi trong việc chế biến các món ăn từ thịt động vật hoang dã như gấu Bắc cực, chim cánh cụt, hải cẩu, hải mã cùng các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện thời tiết lúc ấm nhất cũng là -200C.

Ngày 27/8/1921, từ Nome, Alaska, tàu Anchorage tiến vào vành đai Bắc cực. Mặc dù lúc ấy đảo Wrangel nằm ở phía bắc bờ biển Siberia, trên bản đồ là lãnh thổ của Nga nhưng thực tế nó không hề có cư dân sinh sống, đồng thời người Nga cũng chưa hề đặt bia chủ quyền ở nơi này nên lợi dụng hỗn loạn vẫn đang diễn ra ở nước Nga sau cuộc Cách mạng tháng 10/1917, thuyền trưởng Vilhjalmur sẽ lấy hòn đảo này về cho Canada, hay chính xác hơn là cho Vương quốc Anh vì Canada lúc ấy vẫn nằm dưới quyền ủy trị của người Anh.

Ngày 9/9/1921, tàu Anchorage ghé vào một cảng trên bờ biển Siberia để tìm thêm lương thực và nước ngọt. Đến ngày 21/9, họ thả neo cách đảo Wrangel khoảng 1km rồi Vilhjalmur cùng Crawford, Knight và Ada lên chiếc thuyền nhỏ tiến vào. Đích thân thuyền trưởng Vilhjalmur cắm lá cờ Liên hiệp Anh lên đảo.

Sau này Ada kể lại: “Khi đã cắm xong cờ, tôi đề nghị họ nhổ neo quay lại cảng Nome, Alaska vì theo kinh nghiệm, chỉ vài hôm nữa gió sẽ mạnh dần lên và sẽ có bão tuyết nhưng ông Vilhjalmur không đồng ý. Ông ấy nói sẽ ở lại một thời gian để lập bản đồ chi tiết về địa hình hòn đảo, nhất là những nơi có thể xây dựng nhà cửa, sân bay”.

Đúng như lời Ada, chỉ 6 ngày sau khi đặt chân lên đảo Wrangel, những cơn bão tuyết với sức gió trên 100km/h bắt đầu xuất hiện, báo hiệu mùa Đông sắp đến. Hầu như cả đảo bị bao phủ bởi lớp tuyết trắng xóa còn ngoài biển là những tảng băng trôi dày đặc khiến tàu Anchorage không thể di chuyển.

Ada nói tiếp: “Khi giá rét tràn về, những người chết đầu tiên là thủy thủ. Họ chết vì sưng phổi, vì suy dinh dưỡng do thực phẩm ngày càng cạn kiệt. Một thủy thủ là Harold Noice bỏ trốn. Chẳng ai biết anh ta đi đâu và bằng cách nào? Những người còn lại cố gắng chống đỡ, đợi mùa Xuân với hy vọng sẽ có tàu từ Canada đến cứu”.

Vẫn theo Ada, trong những ngày này, cô cố gắng tìm thêm thức ăn nhưng khốn thay, lũ gấu đã trốn sâu vào hang để ngủ đông còn hải cẩu thì di cư đến những vùng biển ấm hơn. Ada nói: “Tôi bẫy được mấy con chim cánh cụt nhưng những người còn lại không ai ăn nổi vì nó tanh quá. Họ nuốt vào rồi nôn ra. Thậm chí thuyền phó Knight còn cầm dao đòi giết tôi vì anh ta cho rằng tôi là người đã đang mang tai họa đến”.

Gần cuối mùa Đông, thủy thủ đoàn chẳng còn ai sống sót, kể cả thuyền trưởng Vilhjalmur chết vì bệnh thiếu vitamin C (Scorbut). Người ông phù lên, các chân răng rỉ máu. Tàu Anchorage chỉ còn lại Ada, thuyền phó Knight, trưởng boong Crawford, thợ máy hơi nước Maurer và Galle bếp trưởng. Họ tồn tại nhờ những con cáo, thỏ rừng và cá tuyết Ada săn được.

Cuối cùng, khi thức ăn không thể dễ dàng tìm kiếm, ngày 27/1/1922, lúc nhiệt độ giảm xuống -500C, Crawford, Maurer và Galle quyết định vượt biển đến Siberia để tìm người cứu hộ bằng chiếc thuyền nhỏ lấy từ tàu Anchorage. Ở lại đảo Wranggel chỉ có Ada và Knight vì anh ta cũng bị bệnh Scorbut rất nặng.

Ada nói: “Mỗi lúc săn được con thỏ, con cáo, tôi dành cho Knight phần thịt lớn nhất với hy vọng anh sẽ phục hồi nhưng tình trạng suy nhược của Knight ngày càng trầm trọng. Anh không ngừng chửi bới tôi vì tôi đã không làm đủ để nuôi anh! Trong thời gian đó, tôi cũng bị ốm với những dấu hiệu ban đầu của bệnh Scorbut”.

Ngày 23/6/1922, Knight chết. Lúc ấy Ada không còn đủ sức để đưa thi thể anh ta ra khỏi nơi ẩn náu. Dùng mấy chiếc thùng gỗ trước kia đựng lương thực, Ada làm một rào chắn xung quanh Knight để bảo vệ xác anh ta khỏi loài gấu, còn cô dựng tạm căn lều từ những tấm da cáo, da thỏ.

Ada kể: “Không lâu sau cái chết của Knight, tôi giết được con hải cẩu đầu tiên. Sau khi lấy hết thịt và mỡ, tôi làm chiếc thuyền từ da của nó và những mảnh gỗ. Tôi dự tính sẽ dùng thuyền ấy để đến Siberia nhưng trong một đêm bão, thuyền bị gió cuốn đi mất tích”.

Không nản lòng, Ada tiếp tục săn hải cẩu với hy vọng sẽ làm lại chiếc thuyền khác nhưng mùa Hè, mùa Thu qua đi, đến mùa Đông 1923 rồi mùa Xuân 1924, cô vẫn không bắt được con hải cẩu nào. Cô nói: “Tôi thường phải đi bộ 5 hoặc 6km để tìm trứng chim hải âu và chim mòng biển trên các sườn núi, bắt chim con chưa biết bay. Tôi bắt cả lũ rắn bò lên tổ chim. May mắn nhất là những tảng băng trôi đã làm tàu Anchorage vỡ nát, các mảnh gỗ của nó bị sóng đánh dạt vào bờ nên tôi có chất đốt”.

Đêm 20/8/1924, Ada tỉnh dậy vì nghe những tiếng động khác thường. Thoạt đầu, cô nghĩ lũ gấu đang mò vào lều. Lập tức, cô đeo cặp kính chống gió rồi lao ra ngoài. Trong làn sương mù bao phủ khắp đảo, cô lờ mờ nhìn thấy một vật gì đó đang tiến vào từ biển. Ada nói: “Tôi chạy xuống mép nước lúc biết nó là chiếc thuyền nhỏ, loại thuyền cứu sinh vẫn được trang bị trên tàu lớn, tôi tin rằng trên thuyền sẽ có Crawford, Maurer và Galle, họ trở lại để cứu tôi…”.

Tuy nhiên, trên thuyền lại là thủy thủ Harold Noice, người đã bỏ trốn ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo Wrangel. Ada ôm chặt lấy Harold rồi khóc. Cô biết mình đã thoát chết sau 2 năm sống một mình trên đảo. Sự trở lại quê nhà Alaska của Ada và cái chết của các thành viên trang đoàn thám hiểm, cũng như sự mất tích của  Crawford, Maurer và Galle, vượt biển đến Siberia ngày 27/1/1922 đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở quốc gia này và cả ở nước Anh vì những người tổ chức chuyến đi nhằm khẳng định chủ quyền trên đảo Wrangel đã “đem con bỏ chợ!”.

Ada qua đời ngày 29/5/1983 lúc 85 tuổi ở Nome và được chôn tại nghĩa trang Công viên tưởng niệm tàu Anchorage. Trên mộ bà có tấm bia do người dân Alaska dựng với dòng chữ: “Nữ anh hùng đảo Wrangel”. Câu chuyện sống sót của bà cũng được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với tựa đề “Hai năm một mình ở Wrangel”.

VŨ CAO (Theo Alaska History)

;
.