Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ không ngăn cản tăng trưởng tại Đông Nam Á

Thứ Tư, 29/11/2023, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Một số nền kinh tế trong khu vực, như Indonesia và Việt Nam có thể sẽ cảm nhận được tác động từ sự suy giảm của Trung Quốc nhiều hơn.

Nhưng nếu tăng cường sự hiện diện của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, các nền kinh tế ASEAN có thể nhận được bù đắp nhiều hơn là tổn thất.

Trong phần lớn 4 thập kỷ qua, các quốc gia Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Quan hệ thương mại và đầu tư phát triển với cường quốc láng giềng này đã hỗ trợ họ tăng trưởng và nâng cao mức sống.

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại, các câu hỏi về tương lai kinh tế của khối ASEAN gồm 10 thành viên một lần nữa lại được đặt ra.

Kể từ khi Bắc Kinh đưa ra quyết định tái cân bằng tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng thay vì đầu tư vào năm 2007, các nhà phân tích và nhà đầu tư đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về khả năng họ thực hiện điều đó mà không bị giảm tốc độ tăng trưởng đột ngột. Điều này là do bản chất thúc đẩy tín dụng trong nỗ lực đầu tư của Trung Quốc, đã đẩy tổng nợ lên gần 300% tổng sản phẩm quốc nội và làm tăng các lỗ hổng tài chính.

Cho đến nay, Trung Quốc đã ngăn chặn xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào và thiết lập thể chế mạnh mẽ nhằm duy trì xác suất xảy ra khủng hoảng ở mức thấp. Nhưng họ cũng có rất ít tiến triển trong việc tái cân bằng.

Tỉ lệ tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc hầu như không thay đổi trong 15 năm qua. Đầu tư tiếp tục chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế bất chấp tình trạng dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đang đạt đến giới hạn. Đây chính là nguồn gốc của những vấn đề hiện tại của nền kinh tế. Cùng với những rạn nứt với các đối tác xuất khẩu lớn nhất - Mỹ và châu Âu - và sự thay đổi ưu tiên chính trị trong nước từ tăng trưởng sang an ninh, xu hướng tăng trưởng triển vọng của Trung Quốc đã bị che phủ trong một thời gian dài.

Trong khi các nhà phân tích có thể tranh luận về tiềm năng phục hồi trong ngắn hạn, không thể phủ nhận sự suy thoái cơ cấu đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa từ năm 2007 đến năm 2019 và có khả năng giảm xuống còn 3,5% vào cuối thập kỷ này.

THU HẰNG

;
.