Vụ thảm sát tại nhà tù nữ quốc gia PNFAS, Honduras - Kỳ 2: Tội ác có bị trừng phạt?

Thứ Sáu, 06/10/2023, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Ngược dòng thời gian, kể từ vụ thảm sát hồi tháng 5/2020, lẽ ra ban giám đốc nhà tù PNFAS phải tách riêng những tù nhân có dính líu đến băng nhóm thì trái lại, tất cả tù nhân nữ có liên quan đến MS13 hoặc Barrio18 đều bị giam chung trong Khu 1. Cho đến vài ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát 20/6/2023, hơn 100 phụ nữ bị liệt vào nhóm MS13 phải sống trong điều kiện chật hẹp, nước sạch bị hạn chế, vệ sinh kém, ăn uống thiếu thốn và không được chăm sóc y tế khiến nhiều người phải ngủ dưới nền nhà rồi lây bệnh ghẻ và các bệnh phụ khoa trong khi phía bên Barrio18 là 600 người.

Các thành viên Barrio18 bị bắt sau vụ thảm sát.
Các thành viên Barrio18 bị bắt sau vụ thảm sát.

Julian, một nữ tù nhân không thuộc băng nhóm nào, bị bắt vì tội ăn cắp mấy món đồ lót trong một siêu thị nói với Latin America Today: “Nhiều người trong Khu 1 là thành viên MS13. Tôi không hiểu băng nhóm Barrio18 đã mua chuộc thế nào mà họ thì tự do, còn chúng tôi bị bóp nghẹt. Chính quyền chẳng quan tâm đến Khu 1, nơi có những nữ tù nhân phải ngồi xe lăn và cả những người đang mang thai. Nếu đụng độ xảy ra như hồi 2020, họ sẽ chạy bằng đường nào?”.

Theo cấu trúc, PNFAS có 2 khu, mỗi khu được chia thành những phòng nhỏ, ngoài ra còn có nhà bếp, phòng tắm tập thể, phòng giặt đồ, phòng y tế hộ sinh và một “phòng phụ”, nơi biệt giam những phụ nữ “sừng sỏ” hoặc những viên chức nhà nước bị kết án. Tất cả các phòng đều được xây theo hình vuông, có thể chứa tối đa 30 người: 10 người nằm ở giường tầng trên, 10 ở tầng dưới và 10 người nằm dưới sàn.

Sự thù hằn giữa hai băng nhóm Barrio18 và MS13 không phải chỉ xảy ra trong nhà tù PNFAS mà ngoài xã hội, cả hai đã thề “không đội trời chung”. Với số lượng ước tính khoảng 90.000 đến 120.000 thành viên ở Honduras tùy từng thời điểm, Barrio18 chuyên về bắt cóc, tống tiền, buôn bán ma túy, vũ khí, điều hành mạng lưới nhà chứa, rửa tiến và giết người theo hợp đồng. Không chỉ hoạt động ở Honduras, Barrio18 còn có chân rết ở Mỹ, El Salvador và Guatelama.

Với MS13 (viết tắt của chữ Mara Salvatrucha) hiện có khoảng 60.000 thành viên ở Honduras cùng khoảng 50.000 ở Mỹ, chuyên buôn lậu cocain từ Mexico, Colombia và Honduras sang Mỹ, đồng thời còn tổ chức đưa người di cư sang Mỹ, châu Âu, buôn bán súng đạn, giết người theo đơn đặt hàng, cướp và kinh doanh mại dâm nên cũng dễ hiều vì sao cả Barrio18 lẫn MS13 đều khẳng định “không thể có hai con cọp cùng ở chung một rừng”. Cả hai băng nhóm đã từng xảy ra nhiều vụ đấu súng nhằm triệt hạ lẫn nhau và tranh giành lãnh địa.

Một nữ từ nhân là thành viên của Barrio18 xăm hình ông trùm của băng nhóm này.
Một nữ từ nhân là thành viên của Barrio18 xăm hình ông trùm của băng nhóm này.

Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát ở nhà tù PNFAS, MS13 đã ra tay trả thù bằng cách ngay giữa thanh thiên bạch nhật, họ giết Ericka Julissa Bandy, góa phụ của trùm buôn ma túy Magdaleno Meza thuộc băng nhóm Barrio18 đồng thời cùng một lúc, 13 thành viên Barrio18 bị MS13 bắn hạ tại một phòng chơi bi-da ở Arellano, tỉnh Choloma.

Đến ngày 24/5, lại có thêm 19 thành viên Barrio18 bị giết cũng tại Choloma. Nó đã khiến Tổng thống Xiomara Castro phải ban hành quyết định quân sự hóa hệ thống nhà tù trên toàn quốc và ban hành lệnh giới nghiêm ở hai điểm nóng là San Pedro Sula và Choloma. Các tổ chức nhân quyền ở Honduras và người thân của tù nhân khẳng định đây không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà tù. Dilma Ordonez, chủ tịch Hiệp hội Tù nhân viết trên trang mạng X (Twitter): “Khi các lực lượng vũ trang kiểm soát các nhà tù ở Honduras, sẽ xảy ra nhiều vụ lạm dụng, ngược đãi và tra tấn”.

Vẫn theo ông Dilma Ordonez, sáng thứ Hai ngày 26/6, lực lượng vũ trang Honduras đã thực hiện chiến dịch “Niềm tin và Hy vọng” nhằm đảm bảo an ninh trong các nhà tù của đất nước. Trong chiến dịch này, Cảnh sát quân sự về trật tự công cộng (PMOP), một lực lượng do cựu Tổng thống Juan Orlando Hernandez thành lập đã đưa  tù nhân nữ ra khỏi buồng giam ở nhà tù PNFAS với cánh tay bị trói sau lưng, cổ tay bị còng, cởi trần và chỉ mặc quần lót, đi chân không để tìm kiếm vũ khí. Thông cáo báo chí của PMOP cho biết họ đã tìm thấy khu vực cất dấu ở cùng một chỗ, gồm chất nổ thủ công, 24 khẩu súng, từ súng ngắn đến tiểu liên AR-15, 6.500 viên đạn với nhiều cỡ nòng khác nhau.

Với ông Gustavo Sanchez, người trước đây là Giám đốc cảnh sát Honduras, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh thay thế ông Ricardo Sabillon thì ngay khi nhậm chức, ông Sanchez tung ra chiến dịch “Ổ khóa”. Theo đó, 100 cảnh sát quân sự sẽ phối hợp cùng 500 cảnh sát, 400 binh sĩ cùng 100 xe bọc thép và 2 trực thăng, tiến hành tảo thanh các băng nhóm ở Choloma với lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.

Sau gần 1 tuần triển khai, lực lượng hỗn hợp nói trên đã bắt được Jerson Javier Carías Molina, bí danh “Baby Face”, José Andrez Hernandez Gutierrez, bí danh “Baby Skinny” Javier Antonio Colindres Hernández, bí danh “El Eficaz” và “Little Cabeza”, tất cả đều là những nhân vật chủ chốt của băng nhóm Barrio-18, được cho là có liên quan trực tiếp đến vụ giết 46 nữ tù nhân tại nhà tù PNFAS dưới hình thức chỉ đạo từ xa.

Song song với những việc ấy, lực lượng hỗn hợp còn phá bỏ 13 cánh cổng, tượng trưng cho MS-13 ở khu phố Rivera Hernandez, nơi có 55 cụm dân cư. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Gustavo Sanchez nói: “Cảnh sát luôn có khả năng và luôn muốn chống tội phạm một cách hiệu quả” nhưng người dân ở khu phố Rivera Hernandez nói ngược lại: “Đây chỉ là trò diễn thôi. Họ đến một lúc rồi họ đi. Điều còn lại của chúng tôi là tiếp tục học cách chung sống với MS13 và Barrio18”.

Theo các tổ chức nhân quyền Honduras và các nhà quan sát địa chính trị, phải đợi đến khi những kẻ thủ ác- dù trực tiếp hay gián tiếp - gây ra vụ thảm sát ở nhà tù PNFAS và ở Choloma nhận mức án xứng đáng với những gì mà chúng đã gây ra thì người dân mới biết quyết tâm của chính quyền trong việc tiêu diệt tội phạm là “diễn” hay là “thật”…

VŨ CAO (Theo Latin America Today)

 

 
;
.