Vụ làm tiền giả chấn động thế giới

Thứ Sáu, 20/10/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trước đến nay, với các băng nhóm tội phạm, tiền giả luôn là thứ mang lại lợi nhuận cao nhất. Một thống kê của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) cho thấy trong 1 thế kỷ qua (1920-2020), chỉ riêng đồng đôla Mỹ (USD) đã có khoảng 40,5 tỉ bị làm giả nhưng số chưa phát hiện còn lớn hơn nhiều. Và trong đó, vụ làm tiền giả ở Bồ Đào Nha là một trong những vụ gây ra sự chấn động toàn thế giới…

Người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng Bồ Đào Nha vì thông tin tiền giả (ảnh nhỏ Artur).
Người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng Bồ Đào Nha vì thông tin tiền giả (ảnh nhỏ Artur).

1. Sinh ngày 8/9/1896 tại Lisbon, Bồ Đào Nha trong một gia đình làm nghề dịch vụ tang lễ nhưng đã vỡ nợ, năm 18 tuổi Artur Virgílio Alves Reis đến Angola, lúc ấy là thuộc địa của Bồ Đào Nha với tấm bằng giả mạo tốt nghiệp Đại học Oxford, Anh quốc, chuyên ngành kỹ thuật điện công nghiệp và cơ học ứng dụng.

Tại Luanda, Artur xin được việc làm trong một xí nghiệp sửa chữa hệ thống thoát nước. Thời cơ đến với anh ta năm 1922, khi Công ty đường sắt Ambaca do người Bồ Đào Nha làm chủ, hoạt động ở Angola nộp đơn xin phá sản vì thua lỗ nhưng để cứu vãn tình thế, Chính phủ Bồ Đào Nha quyết định cho Ambaca vay 100.000 USD.

Và do phải vận chuyển bằng đường biển nên phải mất 3 tuần, tín phiếu 100.000 USD mới đến được Angola nhưng trong thời gian này, Artur đã kịp làm giả một chi phiếu mệnh giá 150.000USD bằng cách sử dụng tài khoản của chính anh ta tại Ngân hàng First America, Mỹ. Tiếp theo, Artur đặt vấn đề mua lại Công ty đường sắt Ambaca với giá 150.000USD và được chấp thuật ngay lập tức bởi lẽ ban giám đốc Ambaca cũng thừa hiểu 100.000USD vay của Chính phủ Bồ Đào Nha chỉ kéo dài thời gian hấp hối của Ambaca.

Từ đó, Artur nghiễm nhiên trở thành giám đốc Ambaca. Sau khi nhận được 100.000USD tín phiếu của Chính phủ Bồ Đào Nha, Artur chuyển ngược nó về tài khoản của mình ở Ngân hàng First America. Tuy nhiên, đầu tháng 7/1924, khi những nhà lãnh đạo cũ của Ambaca rút tiền từ ngân hàng này thì mới hay nó chỉ có 100.000USD thay vì 150.000USD như đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nên họ tố cáo Artur lừa đảo. Bị bắt và bị giam 54 ngày, Artur được tha bởi lẽ anh ta đồng ý cấn trừ một phần tài sản của Ambaca để bù vào!

Thời điểm Artur ra khỏi nhà tù thì cũng là lúc Chính phủ Bồ Đào Nha bãi bỏ quy tắc kim bản vị - nghĩa là dùng số vàng dự trữ quốc gia để bảo đảm mệnh giá của đồng escudo (đơn vị tiền tệ Bồ Đào Nha). Điều này có nghĩa là đồng escudo sẽ được in theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, Artur còn biết Ngân hàng Bồ Đào Nha đã được tư nhân hóa một phần nên với anh ta, đây là cơ hội ngàn năm một thuở.

Tuy nhiên, Artur hiểu rằng nếu chỉ có một mình anh ta thì rất khó “làm nên sự nghiệp”. Vì thế sau một thời gian, Artur móc nối được với Jose Bandeira, em ruột của Antonio Bandeira, Đại sứ Bồ Đào Nha tại La Haye, Hà Lan. Thông qua Jose, Artur tiếp cận với hai kẻ nữa là Karel Marang, thương nhân người Hà Lan và Adolph Hennies, thương nhân người Đức. Qua nhiều lần gặp gỡ, nghe Artur trình bày ý định, phương pháp thực hiện, tất cả đều đồng ý với kế hoạch làm tiền giả của Artur.

Theo thông tin do Artur cung cấp cho đồng bọn, tờ 500 escudo được in tại nhà in Waterlow and Sons ở nước Anh. Do đó, Artur phân công Karel đến London để gặp ông William Waterlow, giám đốc điều hành nhà in. Trong buổi gặp, Karel tự giới thiệu mình là “đại diện được ủy quyền của Ngân hàng Bồ Đào Nha với nhiệm vụ đàm phán về việc in tiền, phục vụ việc cho vay tại An-gola”. Bằng cách giải thích đây là “nhiệm vụ chính trị rất quan trọng nhằm giữ Angola nằm trong qũy đạo của Bồ Đào Nha”, Karel yêu cầu ông William Waterlow phải giữ bí mật tuyệt đối “để tránh bị người Tây Ban Nha phá đám” vì Tây Ban Nha lúc ấy cũng muốn gây ảnh hưởng ở một số quốc gia châu Phi. Sau này khi vụ việc vỡ lở, ông William Waterlow cho biết khi Karel trình cho ông thư ủy quyền của thống đốc Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha, ông đã “không liên hệ trực tiếp với Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha mà chỉ tin vào tờ giấy ủy quyền được làm giả…”.

2. Đầu năm 1925, xưởng in Waterlow and Sons đã giao cho Karel 200.000 tờ 500 escudo với tổng mệnh giá 100 triệu escudo. Tiếp theo, Jose Bandeira, em ruột của Antonio Bandeira, Đại sứ Bồ Đào Nha tại La Haye, Hà Lan đã nhờ anh mình “gửi giúp một số ấn phẩm thương mại đến Bồ Đào Nha” nên 100 triệu escudo đi theo các kiện hàng ngoại giao mà không bị bất kỳ sự kiểm soát nào.

 Tờ 500 escudo thật nhưng là giả.
Tờ 500 escudo thật nhưng là giả.

Bước tiếp theo trong kế hoạch tiêu thụ tiền giả là đưa 100 triệu escudo ra thị trường. Và bởi vì Artur hiểu rằng mặc dù tất cả đều là tiền thật nhưng số serie của 200.000 tờ 500 escudo hoàn toàn không nằm trong hồ sơ phát hành của Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha nên anh ta cùng các đồng phạm chia nhau mỗi người một ít, gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau. Thành công của Artur nằm ở chỗ các ngân hàng ấy chỉ kiểm tra tiền bằng máy đếm số lượng và phát hiện tiền giả chứ không ai kiểm tra số serie của từng tờ tiền.

Sau vài tháng, Artur cùng đồng phạm rút tiền ra. Khi ấy, nếu trong quá trình tiêu xài, dù có bị phát hiện là tiền giả chăng nữa, Artur và đồng phạm vẫn hoàn toàn vô can bởi lẽ đó là tiền ngân hàng trả cho họ, có chứng từ đàng hoàng.

Có tiền, Artur mua cung điện Cậu bé vàng (ngày nay là tòa nhà của Hội đồng Anh ở Lisbon) và 3 trang trại, một đội xe taxi đồng thời thành lập ngân hàng Angola& Metropole, Jose mua một chuỗi các cửa hàng bán lẻ còn Karel và Adolph mua đồ trang sức cao cấp. Kế hoạch cuối cùng của Artur là giành quyền kiểm soát Ngân hàng Bồ Đào Nha bằng cách mua cổ phiếu. Đến tháng 10/1925, Artur đã mua được 10.000 trong số 45.000 cổ phiếu cần thiết để kiểm soát lãi suất Ngân hàng Bồ Đào Nha.

Ngày 4/12/1925, nhân viên giao dịch của một ngân hàng tư nhân trong lúc làm việc với một người gửi tiền ở Porto đã nhận thấy vài điểm đáng ngờ nên anh ta mang tờ 500 escudo đến gặp người quản lý chi nhánh Ngân hàng Bồ Đào Nha nhờ kiểm tra. Quá trình kiểm tra xác nhận nó là tiền thật nhưng khi đối chiếu số serie, họ không tìm thấy dãy số trên tờ 500 escudo trong toàn bộ chứng từ in tiền đã lưu trữ.

Một cuộc điều tra toàn diện lập tức được cảnh sát Bồ Đào Nha tiến hành với sự tham gia của Cảnh sát Anh. Thông qua nhà máy in tiền Waterlow and Sons, Anh quốc, việc điều tra cho thấy kẻ đặt in là Karel, sau lưng là Artur, Jose và Adolph. Hậu quả do Artur và đồng bọn gây ra là người dân Bồ Đào Nha cùng các doanh nhân nước ngoài, có tiền gửi trong các ngân hàng Bồ Đào Nha, không chỉ riêng ở quốc gia này mà còn ở nhiều nơi trên thế giới ồ ạt rút ra, dẫn đến sự khủng hoảng tài chính, kéo dài gần 3 năm mới khắc phụ được.

Ngày 15/12/1925, Artur bị bắt. Sau đó 2 đồng phạm là Jose, Karel cũng lần lượt sa lưới. Ra tòa, Artur nhận 20 năm tù giam, Jose 15 năm, Karel 11 tháng còn Adolph bỏ trốn.

Artur được tha khi đã thụ án 15 năm. Năm 1995, anh ta chết vì đau tim. Jose cũng được tha sau 10 năm tù, chết ở Lisbon năm 1960. Karel chỉ bị kết án 11 tháng nên lúc được tha, anh ta sang Pháp. Riêng Adolph trốn sang Đức, sống trong cảnh nghèo khó rồi chết năm 1936 vì đột qụy…

VŨ CAO
(Theo Criminal Records)

;
.