Sự suy tàn của thương hiệu điện thoại nổi tiếng thế giới

Thứ Sáu, 27/10/2023, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Ra đời năm 2006 bởi Research In Motion (RIM), Canada, ngay lập tức BlackBerry trở nên nổi tiếng với thiết kế bàn phím Qwerty mà người sử dụng chỉ cần thao tác bằng 2 ngón tay cái. Chỉ tính riêng năm 2007, đã có 450 triệu chiếc BlackBerry model GSM 950 được bán ra trên toàn cầu. Thế nhưng từ giữa năm 2016 trở đi, BlackBerry mất ngôi thống trị và hiện nay, nó thuộc quyền sở hữu của Công ty TCL, Trung Quốc.

Tổng thống Obama với chiếc BlackBerry khi nó vừa xuất hiện trên thị trường (Ảnh nhỏ: BlackBerry đời sau cùng).
Tổng thống Obama với chiếc BlackBerry khi nó vừa xuất hiện trên thị trường (Ảnh nhỏ: BlackBerry đời sau cùng).

Hơn thập kỷ trước, thị trường điện thoại thông minh không ai qua mặt được “ông lớn” BlackBerry. Nữ ca sĩ lừng danh Madona luôn đi ngủ với chiếc BlackBerry đặt dưới gối, siêu mẫu Kim Kardashian thì có tới 3 chiếc, 1 cho công việc, 1 cho gia đình và 1 cho bè bạn thân quen. Tổng thống Mỹ lúc ấy là Barack Obama cũng sở hữu 1 chiếc BlackBerry và ông không ngần ngại giơ nó lên khi các phóng viên chụp hình, còn siêu mẫu Naomi Campbell lúc đối mặt với những khán giả quá khích, cô đã đưa ống kính máy ảnh BlackBerry vào thẳng mặt họ.

Sẽ không hề cường điệu khi nói rằng từ 2007 đến 2015, BlackBerry có mặt ở mọi nơi. Nó được người tiêu dùng mệnh danh là “crackberry” bởi độ bền, thời lượng pin sử dụng dài hơn các loại điện thoại khác, thao tác đơn quản, gửi tin nhắn, email, hình ảnh, âm thanh giữa các BlackBerry với nhau mà không cần phải có mạng Internet. Điều ấy hoàn toàn bình thường trong thời đại hiện nay với chiếc iPhone nhưng vào năm 2007, nó được cho là “phép lạ”.

Nhà văn người Mỹ Jonathan Margolis nhớ lại: “Tôi đang ở New York để viết một cuốn sách và tôi nhận thấy mọi người đều có BlackBerry. Một anh bạn quen nói với tôi rằng anh ấy vừa gửi email cho tôi nhưng tôi nghĩ: “Không, chắc bạn nhầm rồi, bạn đang gửi tin nhắn văn bản SMS”. Vậy mà khi về đến khách sạn, tôi mở máy tính để bàn và thấy nó. Thật không thể tin được”.

Steve Jobs, cha đẻ của điện thoại iPhone sau này cũng thừa nhận: “Thời điểm ấy, giao tiếp bằng văn bản qua điện thoại di động thực sự là cơn ác mộng. Hãy nhớ lại nỗi kinh hoàng khi gửi tin nhắn văn bản trên bàn phím số, bạn sẽ phải nhấn từng phím tương ứng với một chữ cái. Nếu bạn muốn gõ chữ fizzy chẳng hạn, đầu tiên bạn phải nhấn phím số 3 ba lần thì nó mới ra chữ f, tiếp theo bạn cũng phải nhấn phím số 4 ba lần mới ra chữ i. Đến chữ z, bạn phải nhấn phím số 9 bốn lần… Cứ thế và cứ thế nhưng với BlackBerry, nó rất nhẹ nhõm vì bạn chỉ phải nhấn phím 1 lần cho 1 chữ cái”.

Tổng thống Obama khi đó nhận xét: “BlackBerry là công cụ thay đổi cách con người làm việc. Sở hữu một chiếc BlackBerry đồng nghĩa với việc bạn không cần phải ngồi ở bàn giấy vì bạn luôn mang theo văn phòng bên người. Bạn có thể trả lời email mỗi lúc, mọi nơi, trong nhà bếp hay trong phòng tắm…”.

Thế nhưng tại sao đế chế BlackBerry lại sụp đổ và sụp đổ một cách nhanh chóng, ngoài sự tưởng tượng của các chuyên gia ngành công nghệ thông tin? Câu trả lời là: “Tất cả không nằm ngoài thị hiếu của người tiêu dùng. Chỉ cần một đối thủ cạnh tranh xuất hiện với một phát minh mới cũng có thể thay đổi cuộc chơi, và sự ra mắt của “trái táo” iPhone chính là cú đấm quyết định”.

Thế nên, ngay sau khi iPhone tung “trái táo” ra thị trường, doanh số bán hàng của BlackBerry lập tức lao dốc và không bao giờ có thể phục hồi. Nhà kinh tế học McGrow cho rằng “một số hành vi kiêu ngạo của BlackBerry có thể đã đẩy nhanh sự sụp đổ của nó”. McGrow giải thích: “Thành công kỳ diệu của BlackBerry đã khiến những nhà chế tạo ra nó tin rằng họ sẽ giữ vững ngôi vương nhưng không ngờ khi iPhone ra đời, cách gõ chữ chỉ bằng thao tác chạm nhẹ lên màn hình cảm ứng đã khiến bàn phím Qwerty trở thành lạc hậu”.

Trước tình trạng lao dốc không phanh, để cứu vãn tình hình, hãng chế tạo BlackBerry sau một thời gian nghiên cứu, đầu năm 2015 đã tung ra 3 mẫu BlackBerry GSM 8300, 8700 và 9500, có bộ xử lý Intel PXA901 312 MHz, bộ nhớ flash 64 MB và SDRAM 16 MB. Tiếp theo là BlackBerry CDMA dựa trên chipset Qualcomm MSM6x00 cũng có bộ vi xử lý ARM 9, bộ nhớ flash lên tới 256MB và cuối cùng là chiếc CDMA Bold 9650, điện thoại đầu tiên có bộ nhớ flash 512MB, hỗ trợ thẻ MicroSD lên đến 32GB nhưng tất cả các mẫu ấy vẫn dùng bàn phím Qwerty, điều mà người ta đã ngán ngẩm vì mất quá nhiều thời gian thao tác.

Vì vậy sụp đổ vẫn là sụp đổ bởi giai đoạn này, iPhone đã cho ra đời iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Nó đã tạo ra những cơn sốt, biểu hiện bằng những dòng người xếp hàng trước các trung tâm bán lẻ từ tối hôm trước để đợi đến sáng hôm sau với mong muốn mua được “trái táo cắn dở”. Đó là đòn cuối cùng giáng vào BlackBerry khiến Research In Motion Canada phải tuyên bố ngừng hoạt động với dòng thông báo đầy cay đắng: “Thật không may, tất cả những người nổi tiếng đều sở hữu iPhone. Điều này rất đáng buồn!”.

Cuối cùng, tháng 1/2017, Research In Motion Canada bán thương hiệu BlackBerry cho Hãng TCL, Trung Quốc. Từ đó đến nay, TCL trở thành nhà sản xuất điện thoại và phần cứng của BlackBerry. Ông Johnson, CEO của BlackBerry giải thích: “Từ cuối năm 2016, nhà sản xuất BlackBerry đã ngừng tất cả các dịch vụ đối với bất kỳ chiếc điện thoại nào vẫn đang sử dụng hệ điều hành của hãng. Tôi đã gặp hàng trăm người trong số họ. Vấn đề họ gặp phải là không còn máy chủ nào để gửi và nhận thông tin nữa. BlackBerry không còn mạng chuyên dùng dành cho họ như trước đây…”.

Hiện tại, BlackBerry vẫn còn được bày bán tại một số nơi trên thế giới, chủ yếu là những vùng mà phần lớn cư dân sống ở mức nghèo với giá chỉ còn 1/8 nếu là chiếc BlackBerry CDMA Bold 9650 mới tinh trong lúc khi vừa xuất hiện, nó là 2.700USD. Bà Sao Chantha, chủ một cửa hàng điện thoại di động ở tỉnh Mondunkiri, Campuchia nói với phóng viên trang tin IT World: “Để khách hàng có thể sử dụng, chúng tôi đã thuê người bẻ khóa hệ điều hành của máy vì nếu không, nó sẽ chẳng kết nối được với mạng 4G, 5G…”.

Cuối cùng là “trái táo” iPhone, Steven Rick, chuyên gia công nghệ thông tin thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (M.I.T) nói: “Đừng nghĩ “trái táo” sẽ tồn tại mãi. Nó có thể sẽ như BlackBerry nếu Steve Jobs, cha đẻ của iPhone tự mãn với thành công của mình…”.

VŨ CAO 

(Theo IT World)

;
.