Ngày 27/10, tàu sân bay trực thăng Tonnerre của Pháp đã lên đường tới phía Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ các bệnh viện ở Gaza đang phải vật lộn với số lượng lớn bệnh nhân trong khi nhiên liệu và vật tư y tế cạn kiệt.
Công nhân bốc dỡ hàng cứu trợ gửi đến Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah. |
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, tàu chiến dài 199m này có nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, tuy nhiên chưa rõ sẽ là cung cấp vật tư y tế cho Gaza hay chữa trị cho những người Palestine bị thương ngay trên tàu.
Theo trang web của bộ trên, tàu Tonnerre có thể chở trực thăng quân sự, xe tăng và xe lội nước, cũng có thể phục vụ như một bệnh viện nổi với hàng chục giường, 1 đơn vị chụp X-quang và 2 đơn vị phẫu thuật. Tàu này từng được triển khai đến đảo Corsica của Pháp trong đại dịch COVID-19 để sơ tán dân thường bị bệnh và trước đó đã được điều động đến các vùng lãnh thổ của Pháp ở Caribe khi bị bão tấn công.
Việc triển khai tàu Tonnerre diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp và kêu gọi lập các hành lang nhân đạo ra vào Gaza, và ngừng bắn để có thể tiếp cận viện trợ.
Trong khi đó, Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cảnh báo có thể phải ngừng hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Gaza trong thời gian ngắn, nếu không có nhiên liệu đến khu vực này, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về nơi ở, nước, thực phẩm và dịch vụ y tế.
Theo số liệu cập nhật của Israel, các cuộc tấn công của Hamas đã làm khoảng 1.400 người ở Israel thiệt mạng. Trong khi đó, Sở Y tế Gaza cho biết 7.028 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel kể từ khi bùng phát xung đột ngày 7/10.
Cùng ngày, các ngoại trưởng của Ai Cập, Maroc, Jordan, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar, Kuwait, và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã ra tuyên bố chung lên án các vụ tấn công nhắm vào dân thường và các vi phạm luật pháp quốc tế tại Gaza. Tuyên bố chung cũng phản đối việc cưỡng bức di dời và trừng phạt tập thể tại Gaza.
BÍCH LIÊN