Ngày 15/10, Liên hợp quốc đã bày tỏ mối quan ngại về sự leo thang quân sự ở miền Bắc Mali và những khó khăn mà chính quyền nước này gây ra đối với quá trình rút lui của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA). Theo Liên hợp quốc, việc bảo đảm lịch trình rút lui của MINUSMA có khả năng phải xem xét lại.
Binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) tuần tra ở Gao, Mali. |
Quân đội Mali lên nắm quyền lãnh đạo đất nước bằng vũ lực năm 2020. Tháng 6 năm nay, họ đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ hai bên xấu đi.
MINUSMA được triển khai từ năm 2013 tại Mali và đã trở thành mục tiêu tấn công của các phần từ thánh chiến. Việc MINUSMA rời khỏi các căn cứ mà họ đóng quân đã làm trầm trọng thêm sự tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali, với việc các nhóm ly khai chủ yếu là người Tuareg nối lại các hành động thù địch chống lại nhà nước ở miền Trung, trong khi nhóm phiến quân “Ủng hộ đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo” (GSIM) có liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda gia tăng tấn công nhằm vào các vị trí quân sự.
Những cuộc đối đầu này có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tới, với kế hoạch sơ tán các căn cứ MINUSMA ở Tessalit và Aguelhok, đặc biệt là Kidal, một thị trấn được coi là thành trì của phe ly khai. Một lượng lớn phiến quân hiện đang tiến về phía thị trấn này.
Trong thông cáo báo chí, MINUSMA cho biết, Liên hợp quốc quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và sự hiện diện vũ trang ngày càng tăng ở miền Bắc Mali. Phái bộ này cảnh báo những điều kiện này “có nguy cơ cản trở sự rời đi có trật tự và kịp thời” của MINUSMA, đồng thời cũng đe dọa gây nguy hiểm cho việc vận chuyển an toàn người và tài sản của các quốc gia đóng góp quân đội và Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an về chấm dứt nhiệm vụ của MINUSMA vào tháng 6/2023 kêu gọi chính phủ chuyển tiếp của Mali hợp tác đầy đủ với Liên hợp quốc để đảm bảo việc rút quân một cách có trật tự và an toàn.
MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh lính, đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà Liên hợp quốc đã tham gia, với khoảng 250 binh sĩ giữ gìn hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua.
NGUYỄN TÚ