Các nước trên thế giới phòng chống hỏa hoạn tại chung cư như thế nào?

Thứ Sáu, 06/10/2023, 16:50 [GMT+7]
In bài này
.

Việc phòng chống hỏa hoạn trên thế giới là công việc thường xuyên và bắt buộc ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại các khu chung cư nơi tập trung đông người sinh sống, công tác phòng cháy chữa cháy càng cấp thiết và là yêu cầu sống còn.

Những chiếc cầu thang thoát hiểm zíc zắc đã trở thành biểu tượng quyến rũ về mặt thẩm mỹ ở một số chung cư cũ thuộc New York, Mỹ.
Những chiếc cầu thang thoát hiểm zíc zắc đã trở thành biểu tượng quyến rũ về mặt thẩm mỹ ở một số chung cư cũ thuộc New York, Mỹ.

Canada

Luật pháp Canada yêu cầu chủ tòa nhà phải lắp đặt các thiết bị giúp phát hiện nguy cơ cháy từ sớm như cảnh báo rò rỉ khí gas và thiết bị báo khói trong mọi căn hộ và ở hành lang của từng tầng.

Bất kỳ tòa nhà nào được đưa vào sử dụng đều phải trải qua công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy nghiêm ngặt. 

Trong mỗi tòa nhà chung cư ở Canada đều có một hệ thống kiểm soát phòng cháy, chữa cháy trung tâm. Hệ thống này sẽ kết nối với tất cả các thiết bị ở mỗi tầng. Hệ thống gồm camera, máy báo khói, chuông báo động, hệ thống phun nước, máy phát điện và đèn chiếu sáng khẩn cấp...

Hơn 80% dân số Singapore sống ở nhà chung cư nên việc phòng chống cháy nổ là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ.
Hơn 80% dân số Singapore sống ở nhà chung cư nên việc phòng chống cháy nổ là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ.

Hệ thống này luôn được bảo đảm hoạt động 24/24 và được kiểm tra định kỳ theo luật định. Trường hợp có sự cố bất thường, chủ tòa nhà hoặc bên vận hành sẽ liên hệ với nhà cung cấp hoặc lắp đặt để phối hợp xử lý. 

Nhà cung cấp hay công ty lắp đặt sẽ phải đảm bảo kiểm tra định kỳ hằng tháng để các thiết bị luôn trong tình trạng hoạt động tốt.

Ngoài ra, bên vận hành tòa nhà cũng có nhân viên thực hiện kiểm tra theo tuần đối với các thiết bị đơn giản như đèn báo cháy, cửa và cầu thang thoát hiểm...

Hệ thống bình cứu hỏa sẽ do bên cung cấp chịu trách nhiệm kiểm tra hằng tháng, việc xúc nạp lại bình chữa cháy sẽ được thực hiện sau 3 năm và thay mới sau 6 năm.

Việc tuân thủ các quy tắc an toàn hỏa hoạn cũng như công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy khu chung cư luôn được thực hiện nghiêm túc đối với tất cả các bên tham gia theo Luật Phòng cháy Chữa cháy.  

Mỹ

Theo Washington Post, Mỹ quy định tương đối nghiêm ngặt về hệ thống phòng cháy và sơ tán khẩn cấp cho các tòa nhà cao tầng.

Do lính cứu hỏa khó tiếp cận các tầng trên cao, giới chức đã ban hành quy định chặt chẽ về việc lắp đặt hệ thống phun nước chữa cháy và đầu báo khói tự động.

Cụ thể, tại một tòa chung cư ở Mỹ, hệ thống báo cháy của tòa nhà tự động kích hoạt khi nhận được tín hiệu báo cháy. Hệ thống này được trang bị nhiều nơi và nó chỉ dừng phát cảnh báo khi cảnh sát PCCC có mặt và xử lý.

Hệ thống điều hành này cũng do cảnh sát PCCC vận hành, kiểm soát chứ không thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị quản lý tòa nhà.

Định kỳ, đơn vị PCCC sẽ đến kiểm định và đưa ra các khuyến cáo về hệ thống PCCC, chủ đầu tư phải sửa chữa. Không sửa, không những bị phạt, mà phí bảo hiểm cũng sẽ tăng lên.

Hệ thống điện được thiết kế với các cầu dao tự ngắt khi sử dụng quá công suất.

Một số tòa nhà mới hiện nay còn được lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt ở cửa, khi một cửa kính bị nứt vỡ, luôn được xác định lý do đầu tiên là do chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong với bên ngoài và hệ thống cảm biến sẽ tự động nối với cảnh sát PCCC và lập tức kích hoạt hệ thống báo động để cảnh sát PCCC có mặt.

Người dân nước này bắt buộc phải có ban công để không gian ngôi nhà được mở rộng và tránh rủi ro. Một số tòa nhà cũ tọa lạc trên những con phố cổ kính của thành phố New York còn có cầu thang thoát hiểm bên ngoài. Những chiếc cầu thang zíc zắc đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng quyến rũ về mặt thẩm mỹ và xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình.

Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất

Tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, tòa nhà Burj Khalifa cao 828 mét ở Dubai, hiện là tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, cũng có những biện pháp phòng chống thiên tai tối tân.

Tòa nhà cao 160 tầng - có 4 khu an toàn ở các tầng 42, 75, 111 và 138. Những khu trú ẩn này có thể chứa tới 6.500 người và có thể chống chịu được trong 2 giờ sau khi đám cháy bùng phát.

Địa điểm này cũng được kết nối trực tiếp với trạm cứu hỏa, cùng với các tòa nhà cao 21 tầng trở lên khác.

Do đó, lực lượng cứu hỏa sẽ được cảnh báo bằng báo cáo trực tiếp từ các địa điểm này.

Nhật Bản

Nhật Bản quy định người dân không được phép phá bỏ ban công để mở rộng không gian bên trong.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nếu đám cháy bùng phát ở các tầng cao hơn, những chiếc thang cao tới 45m tương đương tòa nhà 15 tầng cũng trở nên vô dụng. 

Nhật Bản thường xuyên tiến hành diễn tập cứu hỏa nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra hỏa hoạn. Các tòa nhà ở quốc gia này cũng có trung tâm phòng chống thiên tai.

Theo Đạo luật Dịch vụ Phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản, các tòa nhà cao trên 31m được coi là nhà cao tầng và phải đáp ứng nhiều quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, thang cứu hỏa chỉ có thể cao tối đa 31m (tương đương chiều cao của tầng 11) nên các căn hộ từ tầng 11 trở lên bắt buộc phải có hệ thống phun nước chữa cháy, trừ khi đáp ứng các yêu cầu khác - như sảnh thang máy mở, có từ 2 lối thoát hiểm, căn hộ sử dụng nội thất làm từ vật liệu không gây cháy...

Hàn Quốc

Theo Koreatimes, Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã ban hành một điều khoản mới trong Đạo luật Xây dựng, quy định chỉ sử dụng vật liệu không gây cháy cho mặt ngoài của các tòa nhà. Luật này được thi hành từ năm 2011.

Tuy nhiên, luật không áp dụng cho các tòa nhà đã hoặc đang được xây dựng.

Ông Kwon Young-duck tại Viện Phát triển Seoul cho biết các tòa nhà chung cư mới thường không có ban công và bên ngoài được che phủ bằng vật liệu rất dễ cháy. Ban công có thể ngăn lửa và là nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.

Singapore

Singapore là đất nước của chung cư, nhà cao tầng. Có hơn 80% dân số Singapore sống ở nhà chung cư, mật độ dân số cao hàng đầu thế giới. Chính vì thế, phòng chống cháy nổ là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ.

Tất cả các chung cư đều phải đạt yêu cầu PCCC mới được đi vào sử dụng như có lối thoát hiểm, lối cho xe cứu hỏa, họng vòi nước chữa cháy... Tuy nhiên, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra gần đây và xuất phát từ xe điện, cụ thể là pin xe điện khi sạc dẫn đến cháy nổ.

Chính phủ Singapore đã sớm nhận thấy nguy cơ này và ra quy định, kể từ 7/2020, tất cả xe điện dùng pin phải theo tiêu chuẩn UL2272. Đây là tiêu chuẩn Mỹ cho các thiết bị di chuyển chạy điện đáp ứng tiêu chuẩn của các bài kiểm tra an toàn. Các thiết bị không đạt chuẩn này là cấm sử dụng.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.