Ngày 27/9, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ajay Banga cho biết, đang nỗ lực cải cách tình trạng chồng chéo chức năng và điều hành không hiệu quả trong ban giám đốc, đồng thời cam kết định hình lại sứ mệnh của tổ chức này, nhằm giải quyết tốt hơn những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.
Ông Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. |
Phát biểu tại một sự kiện tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở ở New York (Mỹ), ông Banga cho rằng, WB cần thay đổi nhiệm vụ kép hiện tại là xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung để bao gồm cả nhiệm vụ xử lý những tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
Chủ tịch WB giải thích: “Tôi nghĩ rằng mục tiêu kép cần phải thay đổi để không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo đảm hành tinh để loài người có thể sinh sống được, vì tính chất đan xen của các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt”.
Theo Chủ tịch WB, ông đang nỗ lực xác định lại những lĩnh vực ưu tiên mà WB đang cung cấp khoản vay cho các nước đang phát triển, trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến 5 lĩnh vực gồm phát triển nguồn nhân lực, sự thịnh vượng, vấn đề biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số.
Kể từ khi đảm nhận vai trò Chủ tịch WB hồi tháng 6/2023, ông Banga đã tiến hành nhiều cải cách đối với công tác quản lý cũng như đội ngũ quản lý của thể chế tài chính này, chẳng hạn như thiết lập một ban mới gồm 15 thành viên, có nhiệm vụ cố vấn cho khu vực tư nhân của các nước. Trước đó, ông Banga từng kêu gọi WB hợp tác chặt chẽ hơn với lĩnh vực tư nhân để có thể đáp ứng được những khoản vay khồng lồ liên quan đến nhiệm vụ thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cơ quan nghiên cứu nói trên, Chủ tịch Banga cho rằng, WB cần thận trọng lựa chọn những quốc gia có mức phát thải cao để từ đó khuyến khích khu vực tư nhân của những nước này đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, nhằm giúp hạn chế lượng khí thải carbon để có thể đạt được hiệu quả lớn nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Banga đề cập đến 10 quốc gia như vậy song không nêu tên cụ thể.
Việc cải tổ WB có thể nâng cao năng lực cho vay của thể chế này thêm gần 190 tỷ USD thông qua các khoản vay khẩn cấp dành cho các nước đang phát triển. Đây là kết luận chính của nghiên cứu do hãng phân tích dữ liệu tài chính quốc tế Risk Control tiến hành và do cơ quan nghiên cứu chính sách công của Mỹ mang tên Viện Rockefeller đưa ra ngày 27/9.
NGUYỄN HÀ