Ngày 11/9, Ủy ban Nhiên liệu hóa thạch quốc gia Mexico thông báo tổ chức này vừa phê chuẩn đơn xin dừng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Mexico từ Tập đoàn Hóa dầu Chevron của Mỹ sau nhiều năm vận hành không mang lại hiệu quả.
Thông báo cùng ngày của Ủy ban Nhiên liệu hóa thạch quốc gia Mexico cho biết, Chevron - một trong những tập đoàn hóa dầu lớn nhất thế giới, sẽ rút khỏi dự án khai thác tại lô 22 trên Vịnh Mexico sau 7 năm hoạt động. Tuy nhiên, Chevron vẫn duy trì văn phòng đại diện nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường dầu khí tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Bắt đầu hoạt động tại Mexico từ năm 2016 tại thời điểm Tổng thống thời gian đó là ông Enrique Peña Nieto bắt đầu cho phép các tập đoàn tư nhân tham gia vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Tuy nhiên, sau 7 năm vận hành không hiệu quả, Chevron đã buộc phải rút khỏi một trong những quốc gia có trữ lượng dầu hàng đầu thế giới này.
Chevron không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế khác như BP, Total hay Equinor cũng đã phải trả lại một số mỏ dầu cho Chính phủ Mexico do hoạt động khai thác không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo Ủy ban Nhiên liệu hóa thạch quốc gia Mexico, hiện chỉ còn CNI của Italia, Talos Energy của Mỹ và Repsol của Tây Ban Nha được đánh giá là những tập đoàn dầu khí hoạt động có hiệu quả tại Mexico.
Đây chính là lý do mà Hiệp hội Nhiên liệu hóa thạch Mexico (Amexhi) hồi tuần trước thừa nhận rằng, do phần lớn các công ty khai thác dầu khí tư nhân hoạt động không hiệu quả, hiện các công ty này vẫn chưa đưa ra được sản lượng khai thác dự kiến trong năm 2024.
Lý giải nguyên nhân trên, Hiệp hội Nhiên liệu hóa thạch Mexico cho rằng, để mang lại hiệu quả kinh doanh, các công ty thăm dò và khai thác dầu khí cần có thời gian tối thiểu là 15 năm kể từ thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động.
Tổ chức này cho rằng, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của các tập đoàn dầu khí tư nhân tại Mexico.
PHI HÙNG