Hãy mang rác về nhà !
“Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước”. Điều này quả không sai khi mà người Nhật đã dạy cho trẻ em ý thức về môi trường, tính tự giác từ nhỏ đã tạo nên Nhật Bản, một trong những đất nước sạch sẽ nhất thế giới.
Những con phố không rác - thành quả của phương châm giáo dục “hãy mang rác về nhà”. |
Trong thời gian sinh sống và làm việc tại Tokyo, tôi được nhiều lần chứng kiến người lớn chỉ bảo con em cách xử lý rác sinh hoạt, đây là những bài học quý báu về bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Một trong những điểm đặc biệt của hệ thống giáo dục ở Nhật Bản là việc dạy trẻ em phân loại rác từ khi còn rất nhỏ. Trong mỗi gia đình, trẻ em thường được giao trách nhiệm phân chia rác thành các loại khác nhau như rác hữu cơ, rác không hữu cơ, nhựa, giấy và các vật liệu tái chế. Điều này giúp trẻ nắm vững cách xử lý rác từ thuở bé và tạo nền tảng vững chắc cho ý thức môi trường.
Một công viên nhỏ cho trẻ em tuy không có thùng rác nhưng vẫn luôn sạch sẽ. |
Từ góc nhìn cá nhân và qua tham khảo ý kiến của bạn bè người Nhật, tôi thấy điều quan trọng nhất mà trẻ em Nhật Bản được nghe rất nhiều lần từ cha mẹ và thầy cô là “làm phiền người khác là việc tối kỵ trong văn hóa của người Nhật”. Rất nhiều đức tính tốt đã được phát triển từ điều này như không nói chuyện ồn ào nơi công cộng, không nghe nhạc, làm ồn trong nhà vào buổi đêm, không ăn uống có mùi trong phương tiện công cộng,… và không khạc nhổ, xả rác bữa bãi là một trong số đó.
Khuôn viên một ngôi trường cấp 2 ở vùng quê Nhật Bản. |
Người lớn ở Nhật Bản thường là hình mẫu tốt trong việc xử lý rác. Khi trẻ em thấy người lớn bảo vệ môi trường và bộ mặt của đất nước, nó sẽ trở thành thói quen tự nhiên của chúng. Họ thường thấy các bậc cha mẹ, ông bà hoặc thậm chí cả thầy cô giáo của mình thực hiện việc phân loại rác và sử dụng các sản phẩm tái chế. Nếu có dịp đến Nhật Bản du lịch, bạn hãy để ý các công viên hoặc bãi biển mà mình tham quan. Chắc chắn sẽ có vài trường hợp bạn nhìn thấy những em bé rất nhỏ tuổi nhét vỏ bánh kẹo vừa ăn vào chính balo của mình. Đó là hiệu quả từ việc truyền đạt lại cho trẻ em phương châm “hãy mang rác về nhà” của chính phủ Nhật Bản từ những năm 1960.
Tuy nhiên, ở bất cứ xã hội nào cũng có những người không tuân theo quy tắc. Vì thế, hệ thống xử phạt sai phạm ở Nhật Bản cũng cực kỳ nghiêm khắc. Ở Tokyo, nếu bị phát hiện xả rác, mức phạt cao nhất mà một người phải chịu là khoảng 6 triệu VND. Điều này kết hợp với hệ thống thu gom rác được tổ chức rất khoa học và hiệu quả đã tạo nên những con phố, tòa nhà không một mảnh rác. Khi đó, trẻ em sẽ nhìn thấy rõ các hành động văn minh của mình đã đem lại kết quả tốt như thế nào và sẽ tiếp tục cố gắng góp phần vào gìn giữ nét văn hóa này.
Nhìn chung, ở Nhật Bản dạy trẻ em xử lý rác là một quá trình tổng hợp các yếu tố truyền đạt, ví dụ thực tế và tham gia trải nghiệm xã hội. Những nguyên tắc này giúp xây dựng một thế hệ tương lai có “gen” về việc bảo vệ môi trường và xử lý rác một cách hiệu quả. Rất đáng để học tập!
Bài ảnh: QUỐC THÁI