Giám đốc kỹ thuật của hãng sản xuất linh kiện ô tô Forvia, Christophe Aufrere, cho biết, 5 năm trước, nhiều xe được cho là có thể tự lái phần lớn vào năm 2025, nhưng điều này hiện chưa trở thành hiện thực.
Những gián đoạn do đại dịch trong ngành sản xuất ô tô, sự chuyển đổi sang đầu tư điện hóa và sự phức tạp về công nghệ cũng góp phần khiến cho cuộc cách mạng xe tự lái diễn ra chậm. Theo ông Aufrere, mục tiêu trên nhiều khả năng có thể sẽ đạt được vào năm 2030.
Hãng sản xuất ô tô Mercedes-Benz của Đức đã nhận được sự công nhận quốc tế về hệ thống tự lái cấp độ 3 theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Hệ thống tự lái cấp độ 3 cho phép xe tự lái trong những điều kiện nhất định như tắc đường hay tốc độ lên tới 60 km/giờ. Người lái có thể không cần quan sát nhưng phải sẵn sàng xử lý nếu cần. Hệ thống này đã được sử dụng với xe Mercedes S-Class, dòng xe có mức giá 6 con số.
Trong khi đó, Honda là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới được phép bán xe tự lái cấp độ 3 tại Nhật Bản vào năm 2021. Tuy nhiên, phần lớn xe được đưa ra thị trường hiện nay được lắp đặt hệ thống tự lái một phần ở cấp độ 2.
Số xe đó có hệ thống tự lái thông dụng của Tesla, với các tính năng như kiểm soát hành trình thích ứng hoặc đỗ tự động, trong khi người lái vẫn liên tục phải giám sát. Tuy nhiên, robot taxi tự lái vẫn là giấc mơ của tương lai ở hầu hết các thành phố, khi châu Âu đi sau Mỹ và Trung Quốc trong việc thử nghiệm các dịch vụ như vậy trong thế giới thực.
Những chiếc xe cấp độ 4 như robot taxi của Waymo hay Cruise được sử dụng ở San Francisco có thể hoạt động không cần có sự can thiệp của con người trong một khu vực định sẵn. Việc triển khai không đồng đều ở châu Âu không phải do các quy định hay các thách thức công nghệ mà là vấn đề về nguồn vốn. Giám đốc điều hành nhà cung cấp xe Valeo, Christophe Perillat, cho rằng xe tự lái vẫn có những tiến triển sau mỗi năm.
Giáo sư Lutz Eckstein thộc Đại học RWTH Aachen cũng nhất trí rằng những bước tiến lớn đang ở phía trước.
LÊ MINH