Chuyện về 3 bác sĩ ở Uganda - Kỳ 2: Tất cả vì sự sống

Thứ Sáu, 22/09/2023, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ năm 2020 đến nay, Gladys và nhóm y tá của cô đã thực hiện hơn 7.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể với sự hỗ trợ của tổ chức viện trợ quốc tế Sightsavers, đồng thời chữa trị cho hơn 21.800 người mắc các bệnh về mắt.

Bác sĩ sản khoa Grace tại Trung tâm y tế Rengen.
Bác sĩ sản khoa Grace tại Trung tâm y tế Rengen.

Cô nói: “Nhờ vào Sightsavers, chúng tôi có thiết bị chuyên dùng để mổ mắt, có thủy tinh thể nhân tạo cùng thuốc men, bông băng, gòn gạc…”. Khi khu vực Karamoja gặp phải dịch đau mắt đỏ, suốt 3 tuần lễ bác sĩ Gladys và các y tá đã di chuyển tổng cộng 600km trên những con đường, hầu hết là đường đất để đến từng ngôi làng, mang thuốc cho bệnh nhân. Có lần, một nhóm các tay súng ADF chặn chiếc xe của Trung tâm Y tế Nabilatuk lại rồi sau khi biết Gladys là bác sĩ, họ đã để cô đi.

Ngày 18/9 hằng năm, là ngày mà Liên hợp quốc gọi là “Ngày Nhân đạo thế giới”, cả 3 bác sĩ Grace Apio Okello, Gladys Atto và Eric Kiwota đều được vinh danh vì “những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chăm sóc sức khỏe cho những người yếu thế cùng đàn gia súc ở Karamoja”.

Gladys nói: “Thật là đáng sợ. Đó là lúc tôi muốn bỏ cuộc khi một họng súng lạnh buốt dí vào trán tôi. Tôi tự hỏi mình đang làm gì và những việc mình làm có đáng để phải trả giá bằng mạng sống hay không? Thế nhưng lúc gặp những bệnh nhân với con mắt sưng húp, đầy ghèn, tôi lại tin rằng mình đang đi đúng hướng”.

Với những bệnh nhân đã được bác sĩ Gladys chữa lành những bệnh về mắt, họ xem cô như “Thiên sứ được Trời sai xuống”. Bà Nkeba, bị đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt nói: “Trước đây tôi sống bằng nghề dệt vải nhưng suốt 6 năm qua, tôi không còn nhìn thấy gì, thậm chí đi lại trong nhà cũng phải dò dẫm từng bước. Nay được bác sĩ Gladis mổ, tôi như người vừa mới được sinh ra…”.

Bác sĩ nhãn khoa Gladys thì: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, bệnh nhân mở mắt ra, nhìn tôi và nói: “Tôi đã thấy rõ mặt bác sĩ rồi…

Cuối năm 2021, Gladys nhận được giải thưởng Women in Medicine danh giá của Hiệp hội Y khoa Uganda. Cô nói: “Phục hồi thị lực cho những người mắc các bệnh về mắt là động lực lớn nhất của tôi. Tôi chưa hề có ý định rời khỏi nơi này”.

Bác sĩ sản khoa Grace nói: “Còn gì vui bằng khi những đứa trẻ khoanh tay chào tôi vì chúng hiểu rằng tôi đã giúp chúng chào đời…
Bác sĩ thú y Eric (đeo khẩu trang) khám cho một “bệnh nhân” của mình.
Bác sĩ thú y Eric (đeo khẩu trang) khám cho một “bệnh nhân” của mình.

Bác sĩ thú y Eric Kiwota

Tốt nghiệp ngành Y học nhiệt đới, khoa Thú y, Đại học Manchester (Anh quốc) năm 2020 bác sĩ Eric Kiwota tình nguyện về Karamoja làm việc bởi theo anh: “Dân địa phương vẫn lúng túng mỗi khi đàn gia súc của họ gặp dịch bệnh. Thường thì họ chữa trị theo những lời truyền khẩu nhưng bạn biết đấy, nếu những con bò bị lở mồm long móng, mọi loại cây củ rễ lá đều vô ích mà thôi”.

Với những người chăn nuôi ở Karamoja, bò, dê, là cả một gia tài và toàn bộ khu vực này không hề có một bác sĩ thú y nào cả. Thế nên khi bác sĩ Eric xuất hiện, họ mừng như bắt được vàng. Eric nói: “Với các bác sĩ khác, phần lớn bệnh nhân tự đến gặp họ còn với tôi, tôi phải đi tìm “bệnh nhân”, lắm khi phải đi hơn 100km”.

Vẫn theo Eric, nỗi sợ lớn nhất của anh là các cuộc phục kích do phiến quân ADF tiến hành: “Họ xông vào các bãi chăn thả, cướp những con gia súc. Nếu ai có ý chống cự là họ bắn”. Những con gia súc ấy sau đó được đưa ra chợ đen và lắm khi, nông dân phải bỏ tiền ra để chuộc lại tài sản của chính họ.

Tháng 12/2021, Eric đã rơi vào tình huống này. Khi ấy, anh đang cỡi ngựa trở về quận Moroto sau chuyến đi tiêm phòng cho đàn bò của nông dân ở làng Kabota. Lúc gần đến chân núi Moroto, Eric vô tình lạc vào một cuộc chạm súng giữa lực lượng UPDF và phiến quân ADF. Trước đó vài tiếng, một nhóm ADF đã tấn công một trang trại và cướp đi khoảng 60 con bò.

“Súng nổ loạn xạ, tôi nhảy khỏi lưng ngựa rồi nằm dài trên mặt đất. Khi trận giao tranh lắng xuống, tôi mới biết con ngựa của tôi đã chạy mất. Toàn bộ dụng cụ, thuốc men đặt trên lưng ngựa cũng mất luôn nên tôi phải đi bộ về nhà”. May mắn là không lâu sau đó, tổ chức phi chính phủ Vétérinaires Sans Frontières (Bỉ), đã tái trang bị cho anh. Eric nói: “Mất gần 1 tháng, tôi mới có thể quay lại các bãi chăn thả. Sự vui mừng thể hiện trên khuôn mặt của những nông dân là động lực giúp tôi đứng vững đến giờ phút này”.

Sau sự cố ấy, mỗi khi chuẩn bị đi “khám bệnh”, Eric luôn được người chỉ huy UPDF ở địa phương cho biết về tình hình hoạt động của phiến quân ADF tại những nơi anh sẽ đến. Trên lưng con ngựa do một nông dân trao tặng, Eric rong ruổi qua những thảo nguyên khô cằn hoặc những sườn núi lởm chởm đá. Bữa ăn của anh chỉ là mấy cái bánh bột ngô nướng cùng vài mẩu pho mai. Khi đêm xuống, trên tấm chăn trải dưới đất, Eric nằm co quắp để chống lại cái lạnh. Không ít lần anh cảm thấy kiệt sức lúc về đến nhà.

Anh nói: “Rất nhiều hôm, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi vài ngày nhưng nếu tôi nghỉ, việc chữa trị cho vật nuôi sẽ phải dừng lại. Làm sao mà tôi có thể chịu đựng khi đối diện với những nông dân và nghe họ nói “phải chi bác sĩ đến sớm hơn thì những con bò của chúng tôi đâu có chết”.

VŨ CAO (Theo Africa Today)

 
;
.