Trên chiếc tàu tuần duyên USS Astoria bị Phát xít Nhật đánh chìm vào rạng sáng 9/8/1942, có binh nhì hải quân 19 tuổi Elgin Staples sống sót một cách kỳ diệu nhờ vào chiếc phao cứu sinh. Điều trùng hợp là chiếc phao ấy lại do chính tay mẹ anh kiểm tra chất lượng, đóng dấu tên bà tại nhà máy Công ty cao su và lốp xe Firestone ở bang Ohio, nơi Elgin Staples chào đời…
Staples và mẹ tại nhà máy Firestone, cạnh đó là những chiếc áo phao do bà Vera kiểm tra chất lượng. |
Ngày 7/8/1942, quân đội Mỹ đổ bộ lên phía Đông quần đảo Solomon, Thái Bình Dương rồi nhanh chóng thiết lập đầu cầu để có thể nhận thêm tiếp viện, nhằm kiểm soát toàn bộ hòn đảo. Vì thế, Đô đốc Gunichi Mikawa, chỉ huy hạm đội Nhật ở vùng biển này quyết định tấn công đoàn tàu vận tải Mỹ đang trên đường tiến đến Solomon.
Rạng sáng ngày 9/8/1942, 4 tàu khu trục Nhật tắt đèn hiệu, ngắt kết nối thông tin liên lạc, lặng lẽ xuyên qua eo biển nằm giữa đảo Savo và quần đảo Guadalcanal mà không bị phát hiện. Đến 1 giờ 31 phút sáng, khi đã thấy rõ những tàu vận tải Mỹ và những tàu tuần duyên đi theo hộ tống qua ống nhòm, Đô đốc Mikawa phát lệnh tấn công.
Chỉ trong tích tắc, 16 khẩu hải pháo cỡ nòng 210mm trên 4 tàu khu trục Nhật đồng loạt khai hỏa, trong đó tàu Ashahi bắn trúng tàu tuần duyên Mỹ USS Astoria. Binh nhì hải quân Elgin Staples nhớ lại: “Lúc ấy tôi đang trực trên đài quan sát. Loạt đạn đầu tiên từ tàu Nhật bắn trúng ụ súng ở tháp pháo số 1, giết chết tất cả các pháo thủ. Loạt thứ 2 trúng vào nơi đặt các thiết bị cứu hỏa còn loạt thứ ba nổ tung ở bồn nhiên liệu, tạo thành một đám cháy kinh hoàng. Chưa hết, ngay sau các loạt pháo này, súng máy 40mm trên tàu Nhật nhắm vào chúng tôi, bắn như vãi đạn…”.
Bị thương ở chân và bị chấn động bởi sức nổ, Staples nhảy xuống biển khi ngọn lửa lan dần đến chỗ anh. Staples kể: “Trồi lên mặt nước, tôi lấy hết sức thổi vào vòi bơm hơi của chiếc pháo cao su M1926 đeo ở ngang hông rồi cố bơi xa tàu USS Astoria, lúc ấy như một bó đuốc cháy rực. Vài lần, tôi thấy có cái gì đó cọ vào chân mình và tôi hiểu rằng đó là cá mập, bất cứ lúc nó cũng có thể tấn công tôi”.
Nhưng đó không phải là mối nguy hiểm duy nhất. Dòng hải lưu càng lúc càng cuốn Staples ra xa. Được khoảng 1 tiếng, anh không còn nhìn thấy gì nữa ngoài bóng tối xung quanh cùng những vì sao lấp lánh trên đầu. Mãi 4 tiếng sau, tàu khu trục Mỹ USS Bagley trong quá trình tìm kiếm cứu nạn đã vớt được Staples và 14 thủy thủ khác, còn chiếc USS Astoria đã chìm vào lúc 12 giờ trưa ngày 10/8. Cái giá phải trả là hơn 200 sĩ quan, thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Theo Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ, đây là thảm kịch tồi tệ nhất gây ra bởi cuộc tấn công đơn lẻ của Phát xít Nhật.
Ngày 12/8, Staples cùng những người sống sót được tàu USS President Jackson đưa đến New Caledonia. Lúc này, Staples vẫn đeo chiếc phao cứu sinh ngang lưng nhưng đã xả hết hơi và chỉ khi đặt chân lên bờ, anh mới tháo nó ra. Staples kể: “Trước khi bỏ nó vào chiếc thùng đựng đồ phế thải, tôi nhìn lại nó lần cuối. Nếu không có nó, chắc là tôi đã vùi sâu thân thể dưới đáy biển hoặc bị cá mập ăn thịt”.
Vẫn theo Staples, khi nhìn lại chiếc phao cứu sinh lần cuối, anh chợt nhận ra rằng nó được chế tạo bởi Công ty Cao su và lốp xe Firestone, nhà máy đặt tại Akron, bang Ohio, quê hương anh. Những dòng chữ ấy in bằng sơn đen ở góc dưới phao và thật kỳ lạ, tên của người kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng lại giống y hệt như tên mẹ anh: Vera Mueller Staples.
Và thế là thay vì ném chiếc phao vào thùng đựng đồ phế thải, Staples cuộn nó lại rồi kẹp vào nách. Một sĩ quan của tàu USS President Jackson đứng gần anh khi nhìn thấy hành động kỳ lạ này đã hỏi: “Này binh nhì, anh làm gì thế?”. Staples đáp: “Thưa ngài, nó đã cứu mạng tôi, tôi muốn giữ nó làm kỷ niệm”.
Ngày 21/9, Staples được nghỉ phép. Buổi tối khi đoàn tụ với gia đình rồi sau bữa ăn, Staples lấy chiếc áo phao đặt lên bàn và hỏi bà Vera: “Mẹ à, có phải chiếc áo phao này được làm ra ở quê mình và đây có phải là tên của mẹ không?”.
Bà Vera ngạc nhiên. Bà kể: “Lúc ấy tôi chẳng hiểu vì sao con tôi lại hỏi như thế nên tôi chỉ gật đầu rồi nói: “Đúng vậy con à. Mẹ là trưởng bộ phận kiểm tra chất lượng áo phao của nhà máy. Mọi chiếc áo phao trước khi chuyển cho quân đội đều phải qua tay mẹ. Mẹ sẽ phải xem xét từng nếp dán, vòi thổi hơi và độ kín hơi của nó. Nếu đạt yêu cầu, mẹ mới đóng con dấu in tên mẹ xuống dưới hàng chữ Công ty Cao su và lốp xe Firestone”.
Nghe bà Vera nói xong, Staples bắt đầu kể lại những gì anh đã trải qua, từ lúc tàu USS Astoria trúng đạn pháo của tàu Nhật cho đến lúc anh phải nhảy xuống biển và sống sót nhờ chiếc áo phao. Quá sửng sốt để nói nên lời. Bà Vera đứng dậy, đi vòng quanh bàn đến chỗ Staples ngồi rồi ôm chặt lấy anh. Bà đã dang tay nửa vòng trái đất để cứu Staples.
Vài ngày sau đó, Staples cùng mẹ đến nhà máy Firestones. Tại đây, khi nghe được câu chuyện, gần 1.000 kỹ sư, công nhân trong nhà máy đã đổ ra để chúc mừng mẹ con Staples và cũng để tự hào về sản phẩm của họ. Ông James Dickinson, giám đốc nhà máy nói trong xúc động: “Thât là sự trùng hợp kỳ diệu. Tôi có cảm giác như chính mình cũng được cứu sống…”.
VŨ CAO
(Theo War History)