Các nước châu Á lo ngại lạm phát cao

Thứ Tư, 23/08/2023, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

Gạo được bày bán tại chợ ở Dhaka, Bangladesh.
Gạo được bày bán tại chợ ở Dhaka, Bangladesh.

Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại và dường như biến động giá lương thực sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Ngoài Ấn Độ, lạm phát lương thực ở khu vực châu Á tương đối được kiểm soát trong năm nay. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại rằng, tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến tình trạng giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại.

Các yếu tố đó bao gồm khí hậu khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với sự xuất hiện của El Niño lần đầu tiên sau 7 năm, Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.

ADB cho hay, giá lương thực cao sẽ làm suy giảm sức mua và giá lương thực trong nước tăng 10% ở các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói, dựa trên chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, nghĩa là tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 27% lên 29%.

Bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế của Maybank phụ trách Thái Lan và Trung Quốc cho biết, giá lương thực chắc chắn tăng vọt và điều đó có thể gây ra tình trạng người dân hoảng loạn tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, dựa trên số liệu cung - cầu tổng thể, các nước châu Á đang chuẩn bị tốt để vượt qua "cú sốc" về giá và cung trên thị trường gạo.

Bà Erica Tay chỉ ra thực tế rằng, một vài nước trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia là những nước xuất khẩu ròng. Trung Quốc, thị trường gạo lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 1% nhu cầu gạo từ Việt Nam và Myanmar, do đó nước này bị ảnh hưởng rất ít khi nguồn cung từ Ấn Độ thiếu hụt.

Trong một báo cáo ngày 3/8, Ngân hàng Morgan Stanley cho biết, dự trữ lương thực toàn cầu tăng cao, đặc biệt là ở châu Á, giúp hạn chế sự biến động trong sản xuất và giảm thiểu tác động kinh tế. Do đó, ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mỹ này dự báo, biến động liên quan tới El Nino trước tiên sẽ biểu hiện thông qua lạm phát và sau đó là cán cân thương mại ròng. Điều này đặc biệt là do lương thực chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30% đến 40%, trong rổ chỉ số giá tiêu dùng ở hầu hết các nước mới nổi ở châu Á.

Ngoại trừ Australia, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đều là những nhà nhập khẩu lương thực ròng. Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) phụ thuộc vào nhập khẩu 100% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo.

Ngân hàng Nomura cho biết, điều này khiến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương “có nguy cơ cao” trước tình trạng giá lương thực tăng toàn cầu, mặc dù tác động của nó qua số liệu lạm phát phải chờ đến vài tháng sau đó.

Các nhà kinh tế Sonal Varma và Si Ying Toh của Nomura cho biết, độ trễ giữa lạm phát lương thực toàn cầu và lạm phát lương thực ở châu Á vào khoảng 6 tháng, nhưng độ trễ này có thể dao động từ 3 tháng ở Indonesia đến 9 tháng đối với Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là bất kỳ đợt tăng giá lương thực nào cũng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát lương thực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Nomura xác định, Philippines là quốc gia “dễ bị tổn thương nhất” trước sự tăng vọt của giá lương thực, do tỷ trọng lương thực trong giỏ lạm phát giá tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao ở mức 34,8%, chỉ riêng gạo đã chiếm 8,9% trong rổ thực phẩm.

Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp và giám đốc nghiên cứu của S&P Global, cho biết, các hộ gia đình có thu nhập thấp chắc chắn sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dù họ ở các nước phát triển hay đang phát triển.

MINH HẰNG

;
.