Tính từ cuối năm 2021 đến nay - nghĩa là kể từ khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, đã có hơn 400 thợ lặn săn bắt tôm hùm ở Honduras bị liệt toàn thân hoặc liệt nửa người do chứng giảm áp khi ngoi lên từ độ sâu hơn 30m. Bên cạnh đó còn có gần 100 người chết hoặc mất tích đã khiến lặn bắt tôm hùm là nghề nguy hiểm nhất ở quốc gia này.
Thợ lặn này cầm chắc 40USD khi bắt được con tôm hùm ở độ sâu 30m. |
Nghề nguy hiểm
Vào mỗi buổi chiều, trên một số vỉa hè ven biển ở TP.Puerto Lempira, tỉnh Gracias a Dios (Honduras), không khó để nhìn thấy nhiều người đàn ông tuổi từ 16 đến 40 tụ tập dưới những bóng cây, hầu hết đều bị liệt nửa người hoặc liệt cả 2 chân. Có người ngồi trên xe lăn và cũng có người chống nạng. Tất cả đều là thợ lặn săn bắt tôm hùm nhưng chứng giảm áp xảy ra trong quá trình ngoi lên mặt nước đã khiến họ từ khỏe mạnh trở thành tàn phế.
Là một trong những khu vực nghèo nhất Honduras, phần lớn đàn ông ở Puerto Lempira đều theo nghề lặn biển, trong đó có người mới chỉ 14 tuổi và sản vật giá trị nhất với họ là tôm hùm. Hoan Carlos, 33 tuổi, liệt nửa người bên phải nói với trang tin Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today: “Nếu bạn bắt được 1 con tôm hùm nặng 1kg, bạn cầm chắc trong tay 40USD và nếu 1 chuyến lặn, bạn bắt được 4 hoặc 5 con thì điều đó có nghĩa là gia đình bạn đủ tiền chi tiêu trong 2 tuần lễ”.
Thông thường, tôm hùm biển Gracias a Dios sống dưới độ sâu từ 10 đến 50m, trong những rạn san hô, những hốc đá. Carlos nói tiếp: “Kẻ thù của tôm hùm là bạch tuộc da nâu, chúng tìm tôm để ăn thịt. Nếu thợ lặn nhìn thấy loài này thì chắc chắn chung quanh đó có tôm”. Thế nhưng để bắt được tôm, thợ săn ngoài kính lặn, ống thở được nối với máy bơm khí nén đặt trên thuyền và cái đai bằng chì đeo ngang thắt lưng nhằm giúp họ xuống nước thật nhanh cùng cặp chân vịt, họ chẳng còn một phương tiện bảo hộ nào khác.
Vì thế tai nạn chết người xảy ra thường do những nguyên nhân như ống dẫn khí bị hở, dioxid carbon trong khói thải ra từ động cơ của máy nén khí đi thẳng vào phổi thợ lặn khiến họ ngộ độc, hoặc ống dẫn khí bị đứt, thợ lặn không kịp ngoi lên nhưng nguy hiểm nhất vẫn là chứng giảm áp.
Về mặt bệnh lý, giảm áp là hiện tượng xảy ra khi thợ lặn xuống quá sâu (từ 30m nước trở lên) và ngoi lên quá nhanh. Khi đó, các bóng khí nitơ hình thành trong lòng mạch máu không đủ thời gian để hòa tan nên sẽ đi vào một số cơ quan, gây tắc mạch, đặc biệt là mạch máu não, gây tổn thương tủy sống, tổn thương ổ khớp, thuyên tắc phổi... Tùy theo mức độ, nạn nhân thoạt đầu sẽ thấy chóng mặt, ù tai, đau ở khủy tay, khớp vai, khớp đầu gối và các cơ bắp.
Cơn đau càng lúc càng tăng dần rồi tiếp theo là tê bì, ngứa ran, mất kiểm soát ruột, bàng quang và cuối cùng là nói ngọng, mất thị lực, lú lẫn, hôn mê, liệt toàn thân, liệt nửa người hoặc chết.
Khi ấy, nếu nạn nhân nhanh chóng được đưa đến một buồng giảm áp để điều trị bằng áp suất cao và oxy tinh khiết, các tai biến có thể giảm bớt hoặc thậm chí nạn nhân sẽ phục hồi hoàn toàn.
Sinh nghề, tử nghiệp
Theo Hiệp hội thợ lặn Honduras, từ cuối năm 2021 đến nay, đã có hơn 400 thợ lặn bị tàn phế, hậu quả của bệnh giảm áp, còn số người chết hoặc mất tích trong khi lặn bắt tôm hùm là trên 100 người.
Pablo Padilla, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội thợ lặn Honduras cho biết gia đình ông có 4 người là nạn nhân của bệnh giảm áp. Ông nói: “Hiện tại họ chẳng làm được gì, kể cả những việc đơn giản như tự rửa mặt”.
Thợ lặn Misael Banegas Diaz, 49 tuổi, ngồi xe lăn vì liệt nửa người nói thêm: “Chính phủ đã có những cam kết về việc hỗ trợ những người kém may mắn như chúng tôi nhưng họ chỉ nói mà không làm. Tất cả chỉ trông chờ vào chủ tàu nhưng không phải thợ lặn nào cũng được giúp đỡ thỏa đáng. Nhiều gia đình thợ lặn chỉ nhận được một số tiền, xem như an ủi mà thôi”.
Việc lặn bắt tôm hùm ở Honduras bắt đầu bùng nổ từ những năm 1980. Khi ấy, những thương nhân ở một quốc gia châu Á đặt trạm thu mua tại thành phố ven biển Puerto Lempira, và mua với giá cao nên vô hình trung, nó đã kích thích nghề lặn biển. Tuy nhiên từ năm 2020 trở lại đây, việc săn bắt quá mức đã khiến nguồn tài nguyên ngày càng hiếm hoi, dẫn đến việc thợ lặn phải đi xa hơn, tìm kiếm ở những độ sâu lớn hơn nên khả năng bị tai biến cũng gia tăng so với 2 thập kỷ trước.
Ông Mileno Lopez, người đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề lặn biển nói: “Đi xa hơn, lặn sâu hơn nhưng trang bị thì vẫn thế, nghĩa là vẫn chỉ có kính lặn, ống thở thay vì phải có quần áo chống thấm nước và bình oxy…, “Còn với ông Mendoza, chủ tàu thì: “6 tháng đầu năm nay, tôi đã mất 4 thợ lặn gồm 1 người chết, 3 người bị giảm áp”.
Vẫn theo ông Mileno Lopez, tổn thất nhân mạng lớn nhất trong lịch sử lặn bắt tôm hùm ở Honduras diễn ra vào ngày 3/7. Lúc 1 giờ sáng, một chiếc tàu buôn nhận được tin nhắn cầu cứu từ thuyền Miss Francely chở thợ lặn tôm hùm ở cách đó khoảng 41 hải lý nên họ lập tức báo cho Hải quân Honduras.
Việc cứu hộ cho thấy thuyền Miss Francely bị lật úp, 27 thợ lặn đang ngủ dưới hầm do không kịp thoát ra ngoài nên đã chết đuối, 9 người khác mất tích, 55 người được hải quân vớt lên. Theo danh sách, thuyền chở theo 66 thợ lặn nhưng thực tế con số này là 91 người! Ông Munoz, sĩ quan trên tàu cứu hộ cho biết thuyền Miss Francely dài 12m, chỉ được phép chở tối đa 40 thợ lặn nhưng nó đã mang theo gấp đôi.
Mùa lặn bắt tôm hùm ở Honduras bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 2 hằng năm. Mỗi chuyến đi thường từ 10 đến 15 ngày, trong đó chủ thuyền nhận được 30% trên tổng số tiền bán tôm nên vì thế, càng mang theo nhiều người thì lợi nhuận càng lớn. Kenli Ordonez, thợ lặn 27 tuổi cho biết trung bình mỗi chuyến, trừ tiền nộp cho chủ thuyền, mỗi người kiếm được 120 đến 150USD. Kenli Ordonez nói: “5 năm trước, thu nhập của chúng tôi gấp 3 lần hiện nay nhưng do săn bắt nhiều quá, tôm càng ngày càng ít…”.
“Lặn bắt tôm hùm hoặc là thắng, hoặc là mất tất cả vì chẳng có khoản bảo hiểm nào dành cho chúng tôi…”, thợ lặn Rodiguez nói: “Nếu chuyến đi không có tôm, chúng tôi vẫn phải trả tiền xăng dầu cho chủ thuyền bằng cách ghi nợ. Nếu bị tai biến giảm áp, phần lớn chủ thuyền chỉ xóa nợ nếu có, còn thì họ chẳng hỗ trợ chúng tôi đồng nào…”.
Trong khi ngư dân hai nước láng giềng với Honduras là Nicaragua và Jamaica bảo vệ nguồn lợi thủy sản của họ rất tốt thì tại Puerto Lempira, số người liều mạng vì vài trăm USD mỗi ngày một tăng lên.
Ông Hamilton, chủ một khu du lịch lặn biển ở Puerto Lempira lắc đầu khi trả lời trang tin Latin America Today: “Bạn có thể tưởng tượng được không? Nhiều thanh niên bước chân vào nghề lặn bắt tôm hùm nhưng chỉ được huấn luyện có… 10 phút!
Đó là: “Đeo kính, buộc đai chì vào lưng, ngậm chặt ồng hơi trong miệng. Xong chưa? Rồi hả? Thế thì nhảy xuống…”.
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)