Đức sẽ phải đối mặt với khó khăn trong chuyển đổi công nghiệp xanh
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 28/7 cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải đối mặt với 5 năm khó khăn trong quá trình “chuyển đổi công nghiệp xanh”, giai đoạn được cho là sẽ tạo ra gánh nặng cho người dân. Ông kêu gọi chính phủ phê duyệt các khoản trợ cấp mới để bảo vệ cơ sở công nghiệp của nước Đức.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten (Đức). |
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình công ARD của Đức, khi đề cập đến báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ suy giảm 0,3 điểm phần trăm trong năm nay, Bộ trưởng Habeck đánh giá số liệu này chắc chắn chưa chính xác.
Hồi tháng 5, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức đã cảnh báo nước này đang bước vào suy thoái. Một số công ty lớn nhất của Đức đã bắt đầu rời bỏ quê hương, qua đó làm dấy nên mối lo ngại về tình trạng phi công nghiệp hóa.
Bộ trưởng Habeck lập luận rằng, chiều hướng suy thoái này có thể được lý giải bằng nguyên nhân giá năng lượng tăng cao, vấn đề mà Berlin cảm thấy nặng nề hơn các nước khác vì Đức phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí đốt giá rẻ của Nga.
Theo ông, lãi suất cao cũng đang làm chậm hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu, tình trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến Đức với tư cách là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu.
Bộ trưởng Habeck nêu rõ: “Chúng ta có một giai đoạn chuyển đổi lớn từ nay cho đến năm 2030”. Trong thời gian đó, Đức sẽ chuyển từ cơ sở công nghiệp truyền thống phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh như hydro. Ông bày tỏ: “Tôi cũng không muốn bỏ qua thực tế rằng quá trình này sẽ tạo gánh nặng cho mọi người dân”.
Ông Habeck ủng hộ chính sách hỗ trợ của nhà nước dưới hình thức áp dụng giá trần điện cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng trong cuộc cạnh tranh quốc tế, để họ có thể chịu được những thách thức của quá trình chuyển đổi xanh, cũng như có đủ tiền để đầu tư.
Bộ trưởng Habeck-đồng thời là Phó Thủ tướng Đức và là thành viên của đảng Xanh- thừa nhận các khoản trợ cấp năng lượng được đề xuất mà ông đã thúc đẩy suốt nhiều tháng vẫn chưa giành được sự ủng hộ từ đa số trong liên minh cầm quyền.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đến nay vẫn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner- thành viên của đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối bảo thủ về chính sách tài chính-phản đối các kế hoạch của ông Habeck.
Bất chấp tình cảnh này, Bộ trưởng Habeck nêu rõ, Chính phủ Đức phải quyết định lựa chọn giữa quyết tâm phá vỡ các quy tắc về nợ hoặc nguy cơ đánh mất cơ sở công nghiệp.
PHƯƠNG HOA