.

Triển vọng mới cho quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican trong tương lai

Cập nhật: 20:31, 26/07/2023 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu từ ngày 23 đến 28/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Italy.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Italy.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thời gian qua phát triển tích cực. Hiện nay, quan hệ giữa Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền các cấp ở Việt Nam diễn ra trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên duy trì hiệu quả các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Về phía Việt Nam thăm Vatican có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 1/2007 và tháng 10/2014); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014); Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (10/2018)...

Về phía Tòa thánh Vatican thăm Việt Nam có: Bộ trưởng Truyền giáo-Hồng y Fernado Filoni (tháng 1/2015); Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, thành viên Tổ tư vấn của Giáo hoàng-Hồng y Reinhard Marx (tháng 1/2016)...

Cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên là vào tháng 1/2007, nhân chuyến thăm Italy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone.

Tháng 6/2009, tại cuộc tiếp các giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina tại Rome, Giáo hoàng đã có Huấn dụ kêu gọi “giáo dân phải là công dân tốt”, giáo dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và nhắc nhở Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện đường lối “Phúc âm giữa lòng dân tộc” tại Thư chung năm 1980.

Tháng 11/2008, hai bên nhất trí lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatican. Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp.

Gần đây nhất, tại cuộc họp vòng 10 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì tại Vatican ngày 31/3/2023, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định, Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội “sống phúc âm giữa lòng dân tộc,” “giáo dân tốt phải là công dân tốt”.

Từ năm 2011, đại diện thường trú Tòa thánh đã vào hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Chuyến thăm Tòa thánh Vatican lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hoạt động tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên trong vòng 7 năm qua, là một sự kiện rất quan trọng để hai bên trao đổi về thúc đẩy quan hệ cũng như hoạt động của công giáo Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng, phù hợp với Công giáo Việt Nam.

Về phía Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã ban hành các huấn từ, sứ điệp chỉ đạo chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, khuyến khích cộng đồng công giáo Việt Nam đóng góp cho đất nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican phát triển tích cực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự kết nối giữa Tòa thánh với Công giáo Việt Nam. Và chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hai bên trong tương lai.

AN AN

.
.
.