Sáng sớm 24/3/1944, binh nhì William H. Edwards thuộc Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ trong lúc cùng đồng đội tiến hành trinh sát các vị trí của lính Đức Quốc xã ở rừng Hurtgen thì vô tình dẫm phải một quả mìn khiến ông bị mất một bàn chân trái. Và thay vì giết William, lính Đức để ông nằm đó với một quả mìn gài ở dưới lưng nhằm giết thêm nhiều người khác khi họ đến cứu.
Trung sĩ Spencer và quả mìn lấy từ dưới lưng William. |
Những gì xảy ra ngay sau khi William đạp trúng quả mìn là một ánh chớp sáng rực lóe lên rồi kèm theo đó là một tiếng nổ khô khốc. Ông kể: “Lúc ấy tôi chưa có cảm giác gì mà chỉ bị choáng. Nhìn xuống, một bàn chân tôi cùng chiếc giày đã biến mất, máu chảy đỏ thẫm nền tuyết trắng rồi cơn đau khủng khiếp mới xuất hiện…”.
William là một trong nhóm binh sĩ gồm 12 người có nhiệm vụ trinh sát để mở đường cho Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn bộ binh số 4 tiến vào rừng Hurtgen. Trong khu rừng này, trước khi rút lui lính Đức Quốc xã đã gài lại hàng trăm quả mìn ở những nơi mà họ dự đoán lính Mỹ sẽ đi qua.
Nó là loại mìn PK2, sẽ nổ khi đạp phải nhưng nó không giết chết nạn nhân mà chỉ khiến người đạp cụt mất một bàn chân. Theo tính toán của quân đội Quốc xã, nếu chết vì mìn thì tử thi sẽ để nằm yên tại đó, chờ bộ phận hậu sự đến giải quyết nhưng nếu chỉ mất một chân, sẽ cần 2 người đưa thương binh về tuyến sau và như vậy, xem như đã có 3 người bị loại khỏi vòng chiến, chưa kể người cụt chân sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội sau này.
Trở lại với William, cơn đau càng lúc càng tăng khiến ông phải ngồi xuống. Xé gói cứu thương, ông buộc chặt miếng băng cá nhân vào chỗ bàn chân bị mất đồng thời tự tiêm vào đùi một ống morphine có tác dụng giảm đau theo như những gì ông đã được học trong thời gian huấn luyện ở quân trường. Ông nói: “Một lát tôi thấy máu ngừng chảy. Sau này khi đã được cứu, các bác sĩ quân y cho tôi biết sức nổ của quả mìn đã khiến những bó sợi cơ ở cổ chân ép chặt vào động mạch, tĩnh mạch. Nhờ vậy tôi không chết vì mất máu”.
Thế nhưng một tai họa khác lại ập đến. Khoảng vài chục phút kể từ lúc đạp phải mìn, William nghe có tiếng chân bước, tiếng người trò chuyện rồi một toán lính Đức xuất hiện. Nhớ lại chuyện này, William kể: “Thoạt đầu tôi tưởng họ sẽ bắn chết tôi nhưng tên chỉ huy sau khi quan sát, đã nói mấy câu nhưng tôi không hiểu hắn nói gì…”. Ông chỉ thấy mấy gã lính Đức lục lấy hết những thứ ông mang theo như súng đạn, bình đựng nước, lương khô, dao găm và vài gói thuốc lá.
Tiếp theo họ lật nghiêng ông lên rồi đặt dưới lưng ông một quả mìn, một tên lính khác nhét dưới mông ông cái gì đó rồi kéo sợi dây điện nối vào quả mìn. William nói: “Ngay lập tức tôi hiểu ra rằng dưới mông tôi là kíp nổ, sức nặng của cơ thể tôi sẽ không làm cho nó bật lên nhưng khi đồng đội của tôi đến và khi họ đỡ tôi dậy, kíp nổ sẽ kích hoạt vì không còn bị đè, quả mìn dưới lưng sẽ nổ”.
Đặt xong cái bẫy, nhóm lính Đức tản ra xung quanh, ẩn mình sau những thân cây để phục kích những người đến cứu William. Thời gian chậm chạp trôi qua, bóng đêm ập xuống, hy vọng được đồng đội đến cứu càng lúc càng tan dần còn những người lính trong nhóm trinh sát của William, họ kể lại rằng họ đã nghe thấy tiếng mìn nổ và họ biết William gặp nạn nhưng không ai dám nhúc nhích vì họ phát hiện xung quanh họ cũng có rất nhiều mìn. Trung sĩ James Clack, chỉ huy nhóm trinh sát cho biết đã báo về sư đoàn, và được lệnh rút lui chờ đội gỡ mìn đến.
Mờ sáng ngày thứ 3, nghĩa là đã 66 tiếng kể từ khi William đạp trúng quả mìn, ông nghe văng vẳng có ai đó nói bằng tiếng Mỹ. Thu hết sức lực, ông cố kêu lên: “Tôi đây, binh nhì William đây”.
Giây lát, 4 lính quân y Mỹ chạy đến bên ông. Nhìn thấy William với bàn chân trái bị cụt, một người định đỡ ông dậy nhưng William xua tay: “Đừng, đừng! Có mìn”. Cũng ngay lúc ấy, lính Đức phục kích gần đó nổ súng khiến 4 lính Mỹ chạy về phía sau. Phải mất 2 đợt phản công, quân Mỹ mới đẩy lùi được quân Đức. William nói: “Trận đấu súng khiến tôi bị thương thêm lần nữa. Một mảnh đạn ghim vào chân phải tôi”.
3 giờ chiều, khi không còn một tên lính Đức nào ở trong khu vực nơi William gặp nạn, nhóm lính Mỹ mới tiếp cận được với ông. Sau khi dùng lưỡi lê thận trọng gạt từng lớp đất dưới lưng William, để lộ ra quả mìn thì trung sĩ Spencer, chuyên xử lý bom mìn nhận định đây là quả mìn có sức công phá lớn, kích nổ bằng điện phát ra từ một dynamo đặt dưới mông William. Nếu đỡ ông lên, cuộn lò xo trong kíp dynamo sẽ được giải phóng, sinh ra nguồn điện truyền theo dây dẫn đến quả mìn.
Tuy nhiên, điều khiến Spencer phân vân là ông không biết kíp nổ đặt ở quả mìn có phải là kíp kép hay không - nghĩa là dù có cắt dây dẫn điện từ dynamo đến quả mìn thì mìn vẫn nổ. Trung sĩ Spencer nhớ lại: “Để biết được điều ấy, tôi phải lấy quả mìn dưới lưng William”. Sau khi ra hiệu cho tất cả lính Mỹ tìm nơi ẩn náp, ông nói với William: “Này bạn, tôi sẽ lấy quả mìn ra. Có thể nó sẽ nổ và tôi với bạn đều chết nhưng cũng có thể không. Với tỉ lệ 50/50, tại sao ta không thử chứ”.
Theo William, đó là những giây phút dài nhất trong đời ông: “Tôi đã nằm gần như bất động suốt 70 tiếng nhưng chưa lúc nào tôi sợ bằng lúc này. Chỉ đến khi Spencer đưa quả mìn lên ngang mắt tôi với hai sợi giây điện đã bị cắt thì tôi mới tin rằng mình sẽ sống”.
Được đưa về tuyến sau, William giải ngũ khi đã bình phục và được lắp một bàn chân giả. Bên cạnh đó, ông còn được Sư đoàn 4 tặng một chiếc xe hơi hiệu Oldsmobile mà bàn đạp bộ ly hợp đã được cải tiến cho phù hợp với chiếc chân giả của ông. Ông nói: “Tôi vẫn còn rất may mắn so với những đồng đội khác. Nhiều người đã không trở về hoặc trở về trên chiếc xe lăn. Chiến tranh thật khủng khiếp và tôi luôn cầu mong nó đừng bao giờ xảy ra nữa…”.
VŨ CAO
(Theo War History)