Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc

Chủ Nhật, 18/06/2023, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 18/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc trong 5 năm qua.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, ông Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Tần Cương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và có thể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để thảo luận việc thiết lập các kênh liên lạc mở và bền vững nhằm đảm bảo cạnh tranh chiến lược giữa hai nước không rơi vào vòng xoáy xung đột.

Giới quan sát kỳ vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc sẽ mở đường cho các cuộc gặp song phương khác trong những tháng tới, bao gồm cả khả năng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc.

Chuyến thăm này cũng được cho là có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm. Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 17/6, Tổng thống Biden cũng bày tỏ hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tháng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Washington trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken khẳng định chuyến thăm có 3 mục tiêu chính gồm: thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích của Mỹ và các đồng minh, trao đổi trực tiếp các mối quan ngại liên quan, khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Ngày 14/6 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Tần Cương. Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc mở để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ - Trung nhằm tránh tính toán sai lầm và xung đột có thể gặp phải.

Trong khi đó, ông Tần Cương đánh giá kể từ đầu năm tới nay, quan hệ Trung - Mỹ đã gặp nhiều trở ngại. Ông bày tỏ hy vọng Washington sẽ cùng Bắc Kinh giải quyết bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác, tránh nguy cơ mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi và đưa mối quan hệ này trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.

NGỌC HÀ

;
.