Xung đột ở Sudan-Cuộc chiến chưa nhìn thấy hồi kết - Kỳ 1: Tranh chấp quyền lực

Thứ Sáu, 12/05/2023, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Bắt đu từ sáng 15/4/2023, những cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nổ ra ở phía Nam thủ đô Khartoum rồi sau đó lan rộng đến nhiều vùng trong cả nước đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.

Tướng Burhan (giữa), chỉ huy quân đội Sudan thị sát chiến trường ở thủ đô
Tướng Burhan (giữa), chỉ huy quân đội Sudan thị sát chiến trường ở thủ đô

Nguyên nhân dẫn đến xung đột

Cuối năm 2019, tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu quân đội Sudan cùng tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được biết đến dưới cái tên Hemedti), chỉ huy Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã liên minh với nhau để thực hiện cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự do Tổng thống Omar al-Bashir lãnh đạo.

Tuy nhiên liên minh này mau chóng rạn nứt bởi lẽ sau cuộc đảo chính, người nắm quyền lãnh đạo đất nước là Burhan mặc dù trong Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp, có sự tham gia của các chính trị gia dân sự, chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng vũ trang của cả Burhan lẫn Hemedti.

Năm 2021, để có thể dập tắt những tiếng nói phản kháng của các chính trị gia, một lần nữa tướng Burhan lại đảo chính! Đến tháng 2/2023, nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội của Burhan và lực lượng của Hemedti có thể sẽ tấn công lẫn nhau mà nguyên nhân không ngoài việc tranh giành quyền lực trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Khartoum và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, phản đối cuộc đảo chính.

Đầu tháng 3, trong một cuộc biểu tình ở Khartoum, một người thuộc nhóm biểu tình khi đang quay phim thì bị một sĩ quan quân đội bắn chết, nâng số thường dân bị giết kể từ khi xảy ra đảo chính là hơn 100.

Theo nhà báo Alex McCulloch của trang tin Bên trong những nền chính trị, vụ giết người này như giọt nước tràn ly. Phía RSF mà cụ thể là Hemedti lên tiếng tố cáo quân đội Khartoum cố tình bắn chết dân thường để kích động bạo loạn còn phía quân đội Khartoum, tướng Burhan cho rằng RSF đang “thèm khát quyền lực”, lợi dụng cái chết của người biểu tình để gạt bỏ vai trò quân đội ra khỏi nền chính trị đất nước.

Sáng thứ Bảy, 15/4/2023, giao tranh bắt đầu nổ ra, Chỉ trong vài giờ, RSF đã chiếm được sân bay Khartoum cùng một số địa điểm khác. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al Jazeera, Hemedti, chỉ huy lực lượng RSF hét lớn: “Burhan là tên tội phạm muốn phá hủy đất nước. Hắn hoặc sẽ bị bắt và đưa ra trước công lý hoặc sẽ chết như bất kỳ con chó nào”.

Hemedti chỉ mới xuất hiện trên chính trường Sudan từ năm 2019, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir. Trước đó, ông ta đã từng sử dụng lực lượng RSF, thay mặt Tổng thống Omar al-Bashir dập tắt các cuộc nổi loạn ở miền Tây Sudan nhưng đến tháng 3/2019, khi nhận ra quân đội Sudan dưới quyền lãnh đạo của tướng Abdel Fattah al-Burhan dự định thay đổi chế độ, Hemedti bèn “quay xe” bằng cách ủng hộ Burhan.

Đảo chính thành công, Hemedti nghiễm nhiên trở thành nhân vật quyền lực thứ 2 trong Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp nhưng cuộc “hôn nhân quyền lực” nhanh chóng rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.

Những cuộc khẩu chiến liên tục nổ ra giữa Hemedti và Burhan, cả hai đều cùng khẳng định mình mới là người lãnh đạo nhân dân Sudan, dẫn đến những cuộc đấu súng giữa quân đội và RSF mà đỉnh điểm là đầu tháng 2/2023, tướng Burhan tố cáo RSF đã châm ngòi cho các cuộc giao tranh qua việc phát động một vụ tấn công nhằm vào các vị trí của quân đội Sudan để kiểm soát các địa điểm chiến lược như trụ sở Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, sân bay, đài phát thanh, truyền hình...

Ngược lại, Hemedti cáo buộc quân đội Sudan đã gây hấn trước bằng cánh bất ngờ tập kích và bao vây một căn cứ của RSF ở phía nam Khartoum.

Theo trang tin Bên trong những nền chính trị, Hemedti cùng các thành viên gia đình sở hữu một công ty khai thác vàng hoạt động tại những vùng đất mà RSF chiếm được ở Darfur năm 2017. Một phần tiền kiếm được từ bán vàng dùng để mở rộng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của RSF với quân số lên đến 70.000 người.

Và không chỉ hoạt động ở trong nước, Hemedti còn gửi 40.000 tay súng RSF đến Yemen để hỗ trợ Arab Saudi và UAE chống lại phiến quân Houthi. Bên cạnh đó, 1.000 tay súng RSF cũng có mặt ở Lybia để cùng các lực lượng đồng minh của Khalifa Haftar thực hiện tấn công vào Tripoli.

Amjed Farid, nhà hoạt động chính trị người Sudan nói với trang tin Bên trong những nền chính trị: “Hiện tại, Hemedti là nhân vật không thể đụng tới. Nếu ai đó cố gắng loại bỏ hắn ta bằng vũ lực thì điều đó đồng nghĩa với nội chiến”.

Những cuộc xung đột lúc bộc phát, lúc ngấm ngầm giữa RSF và quân đội Sudan kéo dài đến tháng 6/2022, khi Hemedti và tướng Burhan đề nghị thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề về tranh chấp quyền lực.

Theo trang tin Bên trong những nền chính trị, thông qua những thỏa thuận, tướng Burhan sẽ nghiên cứu để tìm ra biện pháp nhằm loại bỏ mối đe dọa từ RSF và đưa nó vào khuôn khổ của quân đội Sudan nhưng với Hemedti, ông ta cũng phải tìm ra cách để trở thành nhân vật đứng đầu chính phủ Sudan, chẳng hạn như thông qua bầu cử mà vẫn giữ được lực lượng RSF.

Tháng 12/2022, Quân đội Sudan, RSF và các thành viên dân sự trong Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp ký một thỏa thuận khung, dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 4/2023. Theo thỏa thuận này, năm 2024 cả Hemedti và tướng Burhan sẽ từ bỏ quyền lực để tham gia vào một cuộc bầu cử tự do, công bằng. dưới sự giám sát của LHQ.

Lực lượng RSF sẽ trở thành một phần của quân đội quốc gia Sudan nhưng với Hemedti, ông ta cho rằng đây chỉ là một cái bẫy do Burhan giăng ra nhằm gạt ông ta và RSF ra ngoài.

(Còn nữa)

VŨ CAO (Theo Inside Politics)

;
.