Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 4/5 đã tổ chức cuộc họp khẩn tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia để thảo luận về những diễn biến ở Sudan, giữa lúc xung đột leo thang ở quốc gia châu Phi này đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương.
Người dân sơ tán khỏi Sudan tới Jakarta, Indonesia. |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ sử dụng mọi khả năng để đóng góp vào các nỗ lực ngăn chặn giao tranh, thúc đẩy con đường hòa bình và cung cấp viện trợ nhân đạo cần thiết cho Sudan, bao gồm cả việc cử đoàn cấp cao sang Sudan vào thời điểm thích hợp”.
Ông Taha kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan chấm dứt giao tranh, khẳng định OIC sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tham vấn với các quốc gia thành viên và các chủ thể khu vực và quốc tế, nhằm đóng góp vào các nỗ lực đạt được sự ổn định ở Sudan. Ông nói thêm, OIC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Sudan và hợp tác với các đối tác để đạt được một tiến trình hòa bình, đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan.
Cuộc họp của OIC được tổ chức theo đề nghị của Saudi Arabia đã nêu bật sự cần thiết phải giải quyết cuộc xung đột ở Sudan thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với nhân dân Sudan.
OIC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định của Sudan, tôn trọng sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, cũng như bảo vệ quốc gia châu Phi này khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.
OIC kêu gọi các bên tại Sudan cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo cũng như sơ tán công dân và các phái đoàn ngoại giao. OIC cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động leo thang và ưu tiên các lợi ích quốc gia.
Đồng thời OIC đánh giá cao các nỗ lực của Saudi Arabia trong việc sơ tán công dân và các phái bộ ngoại giao ra khỏi Sudan cũng như hợp tác với các bên tại Sudan và các đối tác khu vực để đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài. OIC cũng ca ngợi các nỗ lực của Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Algeria, Maroc và Djibouti trong việc sơ tán công dân của mình và nhiều công dân của các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi các quốc gia và các tổ chức quốc tế cung cấp viện trợ nhân đạo và y tế cho người dân Sudan.
Theo Bộ Y tế Sudan, các cuộc giao tranh giữa SAF và RSF tại thủ đô Khartoum và các khu vực khác tại Sudan trong 3 tuần qua đã khiến hơn 550 người thiệt mạng, gần 5.000 người bị thương.
Còn theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Sudan đã khiến hàng ngàn người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở trong nước hoặc sang các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm Ai Cập, Ethiopia và Chad. Các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, xung đột tại Sudan không chỉ khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa mà còn khiến giá hàng hóa tăng vọt, kho dự trữ vật tư y tế thiếu hụt nghiêm trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiều người sẽ thiệt mạng do thiếu các dịch vụ y tế thiết yếu và dịch bệnh bùng phát.
MAI LY