EU có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt vào năm 2028
Một báo cáo mới từ Tập đoàn Tài chính bền vững Oxford cho biết các khoản đầu tư lớn vào công nghệ xanh sẽ giúp Liên minh châu Âu (EU) có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga.
Đầu tư vào công nghệ xanh
Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022, các quốc gia thành viên EU đã thực hiện các chính sách khẩn cấp như “RePowerEU”, gói biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga vào năm 2028.
Một phân tích mới từ Tập đoàn Tài chính Bền vững Oxford được công bố hôm 9/5 tập trung xem xét chi phí thay thế hoàn toàn khí đốt để sản xuất điện và sưởi ấm bằng năng lượng sạch, hơn là thay thế bằng nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác.
Theo các tác giả của báo cáo, bằng cách đầu tư vào công nghệ xanh, EU có thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028. Ngoài các khoản đầu tư được lên kế hoạch theo Thỏa thuận xanh châu Âu, sẽ cần 512 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi này. Do đó, tổng cộng 811 tỷ euro sẽ được đầu tư, được phân chia cho năng lượng tái tạo (706 tỷ euro) và máy bơm nhiệt (105 tỷ euro).
Các khoản đầu tư quan trọng có thể được thu hồi một phần nhờ thực hiện các khoản tiết kiệm. Theo ước tính của báo cáo, nhờ các biện pháp khác nhau thay thế khí đốt của Nga, có thể tiết kiệm được 254 tỷ euro, tương đương khoảng 50% khoản đầu tư bổ sung cần thiết.
Theo ông Gireesh Shrimali, đồng tác giả của báo cáo và Trưởng phòng Nghiên cứu Tài chính chuyển đổi tại Tập đoàn Tài chính bền vững Oxford, việc chuyển đổi từ khí đốt của Nga sang năng lượng sạch không chỉ khả thi mà còn mang lại nhiều lợi ích.
Việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng năng lượng gió và Mặt Trời giúp loại bỏ việc phải trả tiền khí đốt trong tương lai. Theo ông, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga có thể làm giảm bớt các vấn đề từ an ninh năng lượng, lạm phát chi phí sinh hoạt cho đến khủng hoảng khí hậu.
Bốn trục hành động
Để thực hiện quá trình chuyển đổi trên, báo cáo đề xuất một loạt thay đổi chính trị, tập trung vào bốn trục.
Một là, thiết lập một hệ thống trợ cấp và tài chính thuận lợi cho các công nghệ xanh, bao gồm cả năng lượng tái tạo và máy bơm nhiệt.
Hai là củng cố và nâng cao năng lực của mạng truyền tải và giảm thời gian cấp phép triển khai điện tái tạo, theo đề xuất của REPowerEU.
Ba là đào tạo nhân lực năng lượng tái tạo có kỹ năng và chuyên môn để triển khai các công nghệ tái tạo ở quy mô cần thiết. Bốn là thiết lập các chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy có khả năng đảm bảo sản xuất năng lượng tái tạo ở mức cần thiết để triển khai nhanh chóng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, các tác giả khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư thông qua chia sẻ đầu tư phù hợp và phát triển các công cụ tài chính sáng tạo.
Bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành của Quỹ Khí hậu châu Âu (EFC) và là một trong những “kiến trúc sư” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhận định năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng không phải là một giấc mơ xa vời, mà là một con đường kinh tế trước mắt với an toàn năng lượng để rời bỏ khí đốt của Nga.
HƯƠNG GIANG