Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu diễn ra ở Reykjavík (Iceland) vào ngày 16/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng đảm bảo hỗ trợ Ukraine trên con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin, ngày 14/5/2023. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh ông muốn đảm bảo sẽ thúc đẩy tiến trình gia nhập EU của Ukraine và chính sách đó cũng được áp dụng cho 2 quốc gia Tây Balkan là Moldova và Gruzia.
Hội đồng châu Âu do một số nước Tây Âu thành lập vào năm 1949 nhằm “bảo vệ dân chủ, nhân quyền và pháp quyền ở châu Âu” và độc lập với Liên minh châu Âu (EU).
Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ tư của Hội đồng châu Âu trong lịch sử hơn 70 năm của tổ chức này, thu hút sự tham dự của hơn 30 người đứng đầu nhà nước và chính phủ từ 46 quốc gia thành viên.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cam kết xây dựng “liên minh quốc tế” nhằm cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trong tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Iceland, người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh nêu rõ lãnh đạo Anh và Hà Lan đã nhất trí hợp tác xây dựng liên minh quốc tế hỗ trợ năng lực chiến đấu trên không cho Ukraine, từ công tác huấn luyện đến việc mua máy bay F16.
Trước đó, sau cuộc gặp với Thủ tướng Sunak trong chuyến thăm Anh ngày 15/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng sớm đạt được thỏa thuận tiếp nhận máy bay chiến đấu của các nước đồng minh phương Tây, đồng thời tỏ ra lạc quan về khả năng thỏa thuận sẽ được ký trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Sunak nêu rõ Anh đang chuẩn bị mở trường đào tạo phi công cho Ukraine, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ cử phi công máy bay chiến đấu tới Ukraine. Tuy nhiên, cả hai nước đều chưa có kế hoạch gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine.
Phản ứng trước những tuyên bố của Anh và Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh việc London hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ không thay đổi cục diện xung đột.
Trong diễn biến khác, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nước này đã ký thỏa thuận sơ bộ với Ukraine về cung cấp các khoản vay lãi suất thấp trong khuôn khổ dự án Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF).
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã ký thỏa thuận trên trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Yulia Svyrydenko tại thủ đô Seoul ngày 17/5.
Thỏa thuận sẽ được triển khai sau khi trải qua các thủ tục tại mỗi quốc gia. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Choo Kyung-ho cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Ukraine trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những nỗ lực tái thiết hậu xung đột.
Hai nước cam kết phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ EDCF.
Hàn Quốc đã triển khai chương trình EDCF vào năm 1987 với mục tiêu hỗ trợ các dự án hạ tầng kinh tế và xã hội tại các nước đang phát triển. Năm ngoái, Hàn Quốc đã viện trợ nhân đạo trị giá 100 triệu USD cho Ukraine.
* Ngày 16/5, Ukraine đã chính thức trở thành thành viên của Trung tâm phòng thủ không gian mạng của NATO (CCDCOE). Tháng 3 năm ngoái, 27 nước NATO đã quyết định trao tư cách thành viên của CCDCOE cho Ukraine, dù trước đó vấp phải sự phản đối của Hungary.
Được thành lập năm 2008, CCDCOE là trung tâm an ninh mạng và tổ chức tư vấn nghiên cứu, phân tích, chia sẻ thông tin và huấn luyện về phòng thủ mạng. Với sự hỗ trợ của tổ chức này, NATO muốn nâng cao khả năng phòng thủ mạng của các nước thành viên cũng như những nước khác.
MẠNH HÙNG - ĐẶNG ÁNH